Hướng dẫn cách làm bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện lớp 6

2024-09-14 15:50:11

Hướng dẫn phân tích đề bài

- Dạng bài: thuyết minh

- Yêu cầu: thuyết minh lại một sự kiện

- Khái niệm cần làm rõ: Văn bản thuyết minh là kiểu văn bản thông dụng trong đời sống nhằm cung cấp tri thức về: đặc điểm, tính chất, nguyên nhân…của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng phương thức trình bày, giới thiệu, giải thích. Văn thuyết minh cần phải khách quan, xác thực, hữu ích với mọi người.


Dàn bài chung

a) Mở bài: Giới thiệu về sự kiện mà em muốn thuật lại:

- Sự kiện đó có tên là gì? Được tổ chức vào thời gian nào? Ở đâu?

- Sự kiện đó có quy mô như thế nào? Có cần nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị không?

b) Thân bài: Kể lại diễn biến sự kiện:

- Trước khi bắt đầu:

+ Trước khi sự kiện diễn ra, em có mặt ở đó để làm gì?

+ Không gian ở đó được trang trí như thế nào? Em có cảm xúc gì khi quan sát cảnh trí đó?

+ Cảm xúc của những người khác như thế nào? Bầu không khí ra sao?

- Sự kiện chính thức diễn ra:

+ Sự kiện đó có những hoạt động gì? Diễn ra như thế nào?

+ Có những ai tham gia sự kiện đó? Họ tham gia với thái độ, mục tiêu như thế nào?

+ Em và những người khác quan sát sự kiện đó có cảm xúc, suy nghĩ ra sao?

+ Sự việc nào diễn ra trong sự kiện đó khiến em ấn tượng nhất?

- Kết thúc sự kiện:

+ Sự việc nào đánh giấu sự kiện đó kết thúc?

+ Những người có mặt ở đó làm gì sau khi sự việc kết thúc? Thái độ, cảm xúc của họ như thế nào?

c) Kết bài:

- Ý nghĩa, vai trò của sự kiện mà em vừa thuật lại

- Tình cảm, cảm xúc của em với sự kiện đó


Mẫu 1

Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20 tháng 11, là một trong những dịp lễ quan trọng nhất để tôn vinh công lao của thầy cô giáo. Em vẫn giữ mãi trong trí nhớ buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên tại trường Trung học cơ sở của mình.

Ngày hôm đó, ngôi trường cấp hai của em trở nên khác biệt so với bình thường. Sân trường được dọn sạch sẽ, các hàng ghế được sắp xếp gọn gàng. Trên khu vực sân khấu treo một tấm băng rôn màu xanh, với dòng chữ trắng nổi bật: “Lễ Kỷ Niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 – 11.” Phía dưới là tên trường, hai bên sân khấu, lá cờ đỏ thắm tung bay. Thầy cô mặc trang phục trang trọng, thầy mặc quần âu, áo sơ mi và cô giáo mặc áo dài.

Buổi lễ mít tinh bắt đầu đúng vào lúc 7 giờ 30 phút, với tiếng trống giòn giã kêu gọi học sinh ngồi chỗ. Tiết mục văn nghệ do các anh chị học sinh trình bày mở đầu cho buổi lễ. Những bài hát như “Bụi phấn”, “Người thầy” lan tỏa niềm xúc động trong lòng mọi người.

Thầy hiệu trưởng sau đó đã bày tỏ lòng tri ân đến các thầy. Đại diện cho học sinh toàn trường, chị Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 9B, đã có bài phát biểu cảm xúc và gửi lời cảm ơn đến toàn bộ cán bộ, nhân viên và thầy cô giáo trong trường. Những tiếng vỗ tay phát ra mạnh mẽ, tươi vui.

Buổi lễ kết thúc trong không khí hân hoan và phấn khởi của cả thầy và trò. Nhiều anh chị cựu học sinh và phụ huynh của họ cũng quay trở lại để thăm thầy cô, những người đã có công dạy dỗ họ nên người. Tình yêu thương, sự kính trọng và niềm xúc động hiện hữu trên khuôn mặt của cả thầy và trò.

Sau buổi lễ, chúng em đã đến gặp và tặng thầy cô những bó hoa tươi thắm. Buổi lễ kết thức trong không khí hân hoan, vui vẻ, quả thật là một ngày lễ ý nghĩa để tôn vinh thầy cô – những người lái đò thầm lặng đã đưa biết bao chuyến đò đến bờ thành công.


Mẫu 2

Chỉ còn vài tuần nữa là Tết Nguyên Đán lại đến. Năm nay, trường tôi đã tổ chức Hội chợ xuân truyền thống trong sân trường với sự hưởng ứng nhiệt tình và đông đảo của tất cả học sinh. Ai cũng háo hức, mong chờ và cố gắng hết mình để chuẩn bị cho ngày hội diễn ra thật náo nhiệt, thành công tốt đẹp.

Hội chợ này đã được nhà trường chuẩn bị suốt hai tuần. Các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp, cùng với hội phụ huynh và nhiều học sinh, sau mỗi buổi học, lại cùng bắt tay vào các công việc như: trang trí sân khấu chính, dựng các gian hàng, sắp xếp các vật dụng cần thiết, tập nấu các món ăn cổ truyền, sắm sửa các món hàng truyền thống của địa phương,… Đây là hoạt động thường niên của nhà trường, nhưng năm nay là năm đầu tiên tôi được tham gia nên cảm thấy rất hào hứng.

Sáng ngày 20 tháng Chạp, gần như toàn bộ các thầy cô giáo và học sinh cùng nhiều phụ huynh đã có mặt trong sân trường. Mọi người ai vào việc nay hết sức khẩn trương. Đúng 8 giờ, lễ khai mạc chính thức bắt đầu. Sau màn tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu của hai bạn dẫn chương trình, thầy Hiệu trưởng lên sân khấu phát biểu khai mạc hội chợ. Liền sau đó là một số tiết mục văn nghệ chào mừng như: hát múa quạt, nhảy sạp, hát dân ca,… Ấn tượng nhất là màn sân khấu hoá các tác phẩm văn học dân gian, trong đó vở kịch Bánh chưng, bánh giầy được khen ngợi hơn cả. Vở kịch giúp tôi hình dung rõ hơn, sinh động hơn về nguồn gốc của loại bánh cổ truyền trong ngày Tết truyền thống của người Việt. Đồng thời, các gian hàng cũng chính thức mở cửa chào đón người mua với nhiều mặt hàng phong phú. Có lớp bán bánh trôi, bánh chay; có lớp bán bánh chưng, bánh tét, bánh giầy; lại có lớp bán con tò he hay các sản phẩm gốm thủ công xinh xắn; cũng có lớp bán mũ nan, nón lá, tăm tre; thậm chí có lớp bày bán cả các bức thư pháp chữ Hán và chữ Quốc ngữ,… Các mặt hàng rất phong phú, đẹp mắt nhưng giá cả lại rất rẻ, vừa với túi tiền của đa số học sinh. Đó cũng là những món đồ mà trong những ngày thường, nhiều người không dễ tìm mua. Nhiều thứ tôi được thấy lần đầu tiên và phải hỏi kĩ người bán mới biết tên và cách dùng. Không chỉ có các gian hàng cố định, trong sân trường còn xuất hiện cả những gánh hàng rong y như những gánh hàng rong ở quê mà thỉnh thoảng tôi còn được nhìn thấy. Mọi người tham gia đều cố gắng đi hết các gian hàng, hoặc dừng lại ở những gánh hàng rong và mua cho mình một món đồ gì đó để ăn hoặc làm kỉ niệm. Tiếng rao hàng, tiếng trả giá, tiếng cười nói râm ran cả sân trường.

Cứ như thế, hội chợ kéo dài đến 6 giờ chiều mới tan.

Hội chợ xuân lần này dù ai cũng thấm mệt nhưng đã để lại cho tất cả học sinh chúng tôi những kỉ niệm khó quên. Nhờ đó, tôi biết thêm được nhiều nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người xưa. Họ đã sinh hoạt, lao động, sáng tạo bằng đôi bàn tay và khối óc để tạo ra nhiều món đồ hữu ích còn được sử dụng đến ngày nay. Tôi cũng được sống trong một bầu không khí rộn rã, vui tươi, đầy màu sắc. Nó cho tôi cảm nhận được sự đầm ấm, yên vui của những ngày chuẩn bị đón tết Nguyên đán. Nhất định, đây sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ trong cuộc đời học sinh của tôi.


Mẫu 3

Hải Phòng được vinh danh là thành phố hoa phượng đỏ, vô cùng đẹp và nên thơ. Nơi đây trước kia là một địa danh đặc biệt, bởi nó gắn liền với 3 trận thủy chiến, 3 bậc kỳ nhân ở 3 giai đoạn lịch sử khác nhau và ấn tượng nhất với em là trận Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán năm 938.

Trận đầu vang danh chiến thắng Bạch Đằng là khi Ngô Quyền đập tan quân Nam Hán năm 938, đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Trận chiến xảy ra vào năm 937, khi Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn giết hại để cướp ngôi Tiết độ sứ, gây nên sự căm phẫn trong các vị hào trưởng và nhân dân. Ngô Quyền bèn tập hợp lực lượng để tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Quá hoảng sợ, Kiều Công Tiễn đã vội vã cầu cứu Nam Hán, vua Nam Hán là Lưu Cung nhân cơ hội đó đã phong con trai là Lưu Hoàng Tháo thống lĩnh thủy quân. Cuối năm 938, đoàn thuyền chiến Nam Hán do Lưu Hoằng Tháo chỉ huy kéo vào vùng biển nước ta. Đất nước lâm nguy, Ngô Quyền một mặt tiêu diệt Kiều Công Tiễn trừ mối hoạ, mặt khác huy động nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến. Tại vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã huy động hàng ngàn binh sĩ và nhân dân địa phương xây dựng trận địa cọc để đón đánh quân xâm lược. Ngô Quyền cho một toán thuyền nhẹ ra đánh nhử quân địch vào sông Bạch Đằng lúc nước triều đang lên. Lưu Hoằng Tháo hăm hở dốc quân đuổi theo, vượt qua bãi cọc ngầm mà không biết. Khi nước triều rút, Ngô Quyền hạ lệnh dốc toàn lực lượng đánh quật trở lại. Quân Nam Hán chống cự không nổi phải rút chạy ra biển. Đúng lúc triều rút nhanh, bãi cọc ngầm nhô lên, quân ta từ phía thượng lưu đánh mạnh xuống, quân mai phục hai bên bờ đánh tạt ngang. Quân Nam Hán rối loạn, xông vào đánh giáp lá cà rất quyết liệt. Quân địch bỏ thuyền chạy xuống sông, phần bị giết, phần bị chết đuối, bị hại đến quá nửa. Hoằng Tháo cũng bị thiệt mạng trong đám loạn quân. Vua Nam Hán được tin bại trận trên sông Bạch Đằng , con trai là Hoằng Tháo bị chết, đã hốt hoảng, vội hạ lệnh thu quân về nước.Trận Bạch Đằng của Ngô Quyền đã kết thúc hoàn toàn thắng lợi.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"