Thuyết minh thuật lại một sự kiện: Đêm giao thừa ở nhà em lớp 6

2024-09-14 15:50:15

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần thuyết minh.

2. Thân bài
a. Khái niệm:
- Theo định nghĩa trong Hán việt từ điển giản yếu của Từ Duy Anh thì có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy - Lúc năm cũ qua, năm mới đến", tức là khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày cuối cùng của năm cũ với ngày mùng một đầu năm mới bắt đầu từ giờ Tý (từ 0h00 ngày mùng một tháng giêng).
- Đêm giao thừa còn có tên gọi khác là đêm Trừ tịch mà theo quan niệm của người xưa đây là lúc trời đất có sự giao hòa âm dương, thay đổi sinh khí trời đất, vạn vật được tắm một sức sống mới trở nên tươi mới để bắt đầu một năm mới đầy hy vọng.

b. Các hoạt động diễn ra trong đêm giao thừa:
- Trong buổi tối giao thừa hình ảnh thường thấy của các gia đình Việt Nam ấy là cảnh gia đình sum họp ngồi bên nhau cùng ăn bữa cơm, ôn lại những câu chuyện buồn vui của cả năm qua.
- Cúng giao thừa: Gia chủ chuẩn bị hai mâm cơm cúng đầy đủ, bao gồm các món ăn truyền thống. Đúng vào thời khắc 0h00 của ngày mùng một người chủ gia đình sẽ tiến hành cúng bái thắp hương, đọc lời khấn gọi ông bà tổ tiên và các vị thần thánh về, đồng thời cầu chúc, mong mỏi những điều may mắn sẽ về với nhà mình trong năm mới.
- Đi lễ đình đền, xin lộc đầu năm, kết hợp với việc chọn hướng đi hợp với tuổi của mình để có được nhiều may mắn hơn trong năm tới, tránh những việc xui rủi.
- Xông nhà hay xông đất đầu năm: Sau khi cúng giao thừa xong, trong gia đình có thể chọn ra một người hợp tuổi để tự xông đất cho nhà mình.
- Bên cạnh đó, các hoạt động đếm ngược từng giây để chào đón năm mới và tụ tập tại các quảng trường xem pháo hoa ngày đầu năm lại diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn

3. Kết bài: Nêu cảm nhận chung.


Mẫu 1

Trong nền văn hóa truyền thống của Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì tết âm, hay Tết Nguyên Đán là một dịp lễ đặc biệt quan trọng trong năm, người người nhà nhà cùng gác lại tất cả mọi việc về sum họp, nghỉ ngơi và chuẩn bị cho một năm mới sung túc đầy đủ. Ở Việt Nam Tết là một phong tục cổ truyền đã có từ thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước, trong đó khoảnh khắc giao thừa được đặc biệt coi trọng trong dịp Tết, đánh dấu khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, đi kèm với một số hoạt động văn hóa đặc sắc.

Giao thừa theo định nghĩa trong Hán việt từ điển giản yếu của Từ Duy Anh thì có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy - Lúc năm cũ qua, năm mới đến", tức là khoảnh khắc chuyển giao giữa ngày cuối cùng của năm cũ với ngày mùng một đầu năm mới bắt đầu từ giờ Tý (từ 0h00 ngày mùng một tháng giêng). Đêm giao thừa còn có tên gọi khác là đêm Trừ tịch mà theo quan niệm của người xưa đây là lúc trời đất có sự giao hòa âm dương, thay đổi sinh khí trời đất, vạn vật được tắm một sức sống mới trở nên tươi mới để bắt đầu một năm mới đầy hy vọng. Chính vì vậy ở các quốc gia quan trong thuyết âm dương ngũ hành như Việt Nam, đêm giao thừa là khoảng thời gian linh thiêng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí là hơn cả những ngày đầu năm mới. Không chỉ đánh dấu sự trường thọ của người già và sự trưởng thành của những người trẻ trong năm mới mà còn có ý nghĩa xua đuổi những tà ma, vận hạn đen đủi, khởi đầu một năm mới hoàn toàn tươi đẹp. Trong Tết cổ truyền của dân tộc những ngày cuối năm đặc biệt là ngày 30 tết, là ngày tuy bận rộn, tất bật chuẩn bị nhiều thứ nhưng cũng lại là ngày vui vẻ và nhiều cảm xúc nhất. Khi ấy cả gia đình cùng quây quần bên nhau, mỗi người một việc dọn dẹp trang hoàng nhà cửa sạch sẽ, trưng hoa đào, hoa mai, lại thêm một cây quất trĩu quả cho không khí thêm phần náo nhiệt, vui mừng. Người thì gói bánh chưng, thịt gà, chuẩn bị mâm cơm tất niên, với những món ăn truyền thống bao gồm giò chả, miến, mọc, nhang, đèn,...

Trong buổi tối giao thừa hình ảnh thường thấy của các gia đình Việt Nam ấy là cảnh gia đình sum họp ngồi bên nhau cùng ăn bữa cơm, ôn lại những câu chuyện buồn vui của cả năm qua, bên ngoài là nồi bánh chưng sôi sùng sục chờ đến giờ vớt bánh. Trong phong tục truyền thống của Việt Nam đêm giao thừa thường diễn ra một số hoạt động đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa tâm linh. Đầu tiên phải kể đến việc cúng giao thừa, gia chủ chuẩn bị hai mâm cơm cúng đầy đủ, bao gồm các món ăn truyền thống không thể thiếu như gà luộc nguyên con, bánh chưng một cặp, măng miến, mọc, giò chả, được sắp xếp trang trọng tinh tế, cùng với rượu ngon, nhang đèn mới, mâm ngũ quả... Đúng vào thời khắc 0h00 của ngày mùng một người chủ gia đình sau khi đã tắm rửa sạch sẽ, ăn vận lịch sự chu đáo, sẽ tiến hành cúng bái thắp hương, đọc lời khấn gọi ông bà tổ tiên và các vị thần thánh về, đồng thời cầu chúc, mong mỏi những điều may mắn sẽ về với nhà mình trong năm mới. Thông thường lễ cúng sẽ tiến hành ở ngoài trời trước sau đó với đến trong nhà. So với ngày xưa thì phần cúng lễ giao thừa ngày nay đã được nhân dân tà làm đơn giản hóa đi rất nhiều nhưng vẫn gìn giữ được những nét đẹp trong phong tục truyền thống, tâm linh của dân tộc. Hoạt động thứ hai cũng diễn ra một cách phổ biến ấy là việc mọi người cùng nhau đi lễ đình đền, xin lộc đầu năm, kết hợp với việc chọn hướng đi hợp với tuổi của mình để có được nhiều may mắn hơn trong năm tới, tránh những việc xui rủi. Một phong tục cũng khá thú vị và quan trọng trong khoảnh khắc đầu năm mới ấy là tục xông nhà hay xông đất đầu năm, sau khi cúng giao thừa xong, trong gia đình có thể chọn ra một người hợp tuổi để tự xông đất cho nhà mình, hoặc có thể nhờ anh em bạn bè thân thiết đến xông nhà cho mình ngày đầu năm, và người xông nhà có ý nghĩa mang lại may mắn sự thuận lợi cho gia chủ trong năm mới, đối với một số gia đình hiếu quý, họ còn có thể tặng cho người xông đất bao lì xì đầu năm coi như là lời cảm ơn, chúc phúc. Bên cạnh đó, các hoạt động đếm ngược từng giây để chào đón năm mới và tụ tập tại các quảng trường xem pháo hoa ngày đầu năm lại diễn ra khá phổ biến tại các thành phố lớn, được nhiều các bạn trẻ yêu thích và hưởng ứng mạnh mẽ. Còn một số gia đình khác thì giao thừa lại là lúc mọi người quây quần với nhau ăn bữa cơm tất niên rũ bỏ hết mọi chuyện vướng bận trong năm cũ, cùng đón xem một chương trình đặc sắc ví như Táo Quân, Gala cười, các chương trình ca múa nhạc mừng xuân, nghe Chủ tịch nước đọc lời chúc mừng năm mới,... vừa cắn hạt dưa ăn mứt bánh, tận hưởng khoảnh khắc bình yên vào giây phút thiêng liêng khi nghe mùi nhang vương vấn quanh quẩn bên nhà.

Đêm giao thừa ngày xưa so với ngày nay có thể đã có nhiều khác biệt, thế nhưng những giá trị mang tính truyền thống, những vẻ đẹp ý nghĩa tâm linh của thời khắc đặc biệt này vẫn chưa từng bị mai một, mà nó vẫn hiện hữu trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Dù có thể không cỗ bàn thịnh soạn, mai, cúc xum xuê, thế nhưng sự đầm ấm trong không khí sum họp điền viên vào những ngày cuối năm mới là những thứ đem lại cho con người nhiều xúc cảm, niềm vui trước thềm năm mới đến.


Mẫu 2

Khi những nụ hoa đào chớm nở và vườn quất nặng trĩu qủa cũng là lúc báo hiệu một mùa xuân tới. Xuân về, trăm hoa khoe sắc, cảnh vật, con người dường như cũng hoà vào sức xuân, tất cả đều bừng lên một sức sống mãnh liệt. Và thời khắc giao thừa – tiễn một năm cũ, đón chào một năm mới bao giờ cũng đem lại cho mỗi người những cảm xúc thật khó tả.

Với người Việt Nam, từ già tới trẻ, dù đi làm ăn xa mấy cũng cố gắng về sum họp với gia đình mấy ngày Tết. Và đêm giao thừa là một trong những giờ phút quan trọng mà mỗi thành viên trong gia đình mong chờ. Cũng chính bởi lý do đó, trước giao thừa, mọi người thường chuẩn bị đón Tết rất kỹ để có được một cái Tết thật vui vẻ và đầm ấm.

Khoảng 20 tháng chạp, các gia đình đã đi xem đào, quất, nhà nào cũng rất cẩn thận để chọn cho được một cây đào, một cây quất thật đẹp, có nhiều lộc hay một bình hoa thuỷ tiên mang về nhà chơi mấy ngày Tết. Điều quan trọng nhất đối với mỗi gia đình là phải có một mâm cỗ cúng đêm giao thừa thật đầy đủ để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên. Và bánh chưng là một thứ không thể thiếu trong mâm cỗ cúng.

Bởi thế ngay từ 23 tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị mua lá dong, lạt về gói bánh chưng. Và tới khoảng 25, 26 Tết bắt đầu tiến hành gói bánh. Cảm xúc được cùng cả nhà chuẩn bị gói bánh chưng đối với mỗi người cũng thật khác nhau, có người nhớ cảm giác khi còn nhỏ được tự gói riêng cho mình một cái bánh chưng bé, có người lại nhớ cảm giác được cùng cả nhà quây quần bên nồi bánh, chờ tới khi bánh chín, vớt ra, nhìn những chiếc bánh vuông vức với màu xanh mướt của lá thật thú vị …

Có nhà ngoài nấu bánh chưng, vẫn quen nếp xưa: mua thịt lợn về gói giò. Và trong mâm cỗ cúng trời đất ngoài gà (nhà ai không cúng gà thì thay bằng chân giò lợn), rượu, bánh chưng, xôi gấc, còn có gạo, muối. Trên bàn thờ tổ tiên thường có mâm ngũ quả. Chiều 30 Tết cả nhà thường quây quần bên nhau ăn bữa cơm tất niên. Đây là một phong tục tốt đẹp từ xưa đến nay của người Việt.

Các thành viên trong nhà, dù đi làm xa cũng cố gắng có mặt trong bữa cơm tất niên bởi đây là thời gian mọi thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong một năm. Cũng bởi thế mà có người đã từng chia sẻ cảm xúc về bữa cơm tất niên như thế này: “Tết đến, được trở về ngôi nhà thân yêu, cùng ăn bữa cơm chiều 30 với cả nhà, tôi cảm thấy sung sướng vô bờ… sung sướng nào hơn được sống giữa tình thương yêu, đùm bọc của những người mà mình hằng yêu quí”.

Quả thực người Việt Nam trọng tình, trọng nghĩa nên khoảnh khắc trước và sau giao thừa đối với mỗi người thật quan trọng và khó quên. Bữa cơm tất niên còn là thời gian tất cả mỗi thành viên trong gia đình ngồi ôn lại những gì đã và chưa làm được trong một năm. Những điều tốt sẽ được tiếp tục phát huy, còn những điều chưa tốt sẽ đựợc khắc phục trong năm tới.

Tới khoảng 10 giờ tối, mâm cỗ cúng bắt đầu được sửa soạn để đúng đến thời khắc 12 giờ đêm, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, một thành viên trong gia đình, thường là đàn ông – người trụ cột của gia đình sẽ thắp hương cúng tổ tiên, trời đất cầu xin ông bà tổ tiên phù hộ cho cả gia đình một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc, con cái trong nhà học hành giỏi giang, nghe lời ông bà cha mẹ. Chờ cho tới khi hết hương cũng là lúc những giây phút đầu tiên của năm mới tới, cả nhà cùng nâng chén rượu, dù có ai không uống được rượu nhưng cũng cố gắng nhấp môi để cùng chúc các thành viên trong gia đình một năm mới tràng đầy hạnh phúc và may mắn.

Một nét đẹp nữa của người Việt sau thời khắc giao thừa là cả nhà cùng quây quần bên nhau để nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước.

Thông thường nhà nào có ba thế hệ cùng chung sống thì con cháu thường chúc ông bà sống lâu trăm tuổi. Ông bà, cha mẹ lì xì cho các con, các cháu, mong các con hay ăn chống lớn và sống có ích cho xã hội. Thời xưa, trẻ con thường được lì xì bằng tiền màu đỏ cho may mắn. Thời nay, người lớn thường để tiền lì xì cho trẻ con vào những phong bao màu đỏ in nhiều hình rất ngộ nghĩnh.

Người Việt có thói quen lên chùa xin lộc, cầu may sau những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Những cành lộc khi đêm về thường được cho vào lọ cắm để trên bàn thờ, mong cho mọi may mắn sẽ tới với gia đình trong một năm. Bên cạnh đó mọi người còn có tục lệ xin chữ của ông đồ về treo trong nhà, thường mọi người thường hay xin chữ: Phúc , Lộc , Thọ… mong cho may mắn sẽ tới với gia đình trong năm mới.

Những người hàng xóm thường qua nhà nhau chúc Tết ngay sau giao thừa, mọi người cùng chúc nhau đón một năm mới với tất cả sự may mắn và hạnh phúc. Xưa, khi Tết đến nhà nhà được đốt pháo, giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua tiếng pháo nổ đì đùng, thời nay giây phút giao thừa được mọi người cảm nhận qua những chùm pháo hoa sáng trên bầu trời với đủ màu sắc. Với những người ngoại quốc, được đón Tết ở Việt Nam là cả một niềm hạnh phúc và thú vị, đặc biệt hơn khi họ đón giao thừa, được cảm nhận hương vị ấm cúng của Tết Việt.

Bởi không phải ở đâu giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới lại được đón nhận trong không khí ấm áp và nồng nhiệt như ở Việt Nam. Có những người ngoại quốc dù chỉ đón giao thừa một lần ở Việt Nam thì cảm xúc đêm giao thừa dường như vẫn còn nguyên vẹn trong họ: đầm ấm và hạnh phúc khó tả.

Dù là ai, làm gì, ở đâu, vào khoảnh khắc giao thừa, mọi người cũng mong được có mặt ở nhà để được cùng nâng chén rượu chúc sức khoẻ ông bà, cha mẹ, được nhận từ ông bà cha mẹ tiền lì xì đầu năm cùng lời chúc mừng năm mới – một năm tràng đầy hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.


Mẫu 1

Giao thừa là khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên nhưng cũng là khoảnh khắc giaọ mùa cùa con người, của lòng người. Giao thừa quê tôi thật giản dị nhưng vô cùng ấm áp. Ở đây tôi cảm nhận được tất cả, thiên nhiên và tình người.

Cánh hoa đào tươi thắm hé nở là dấu hiệu báo mùa xuân về. Xuân về cũng là thời điểm giao mùa kì diệu với khoảnh khắc giao thừa đặc biệt không thể nào quên. Giao thừa đã trở thành thời điểm được mong đợi nhất ở quê tôi…

Không khí ngày ba mươi thật khẩn trương và náo nức trong tiết trời giá lạnh. Ngay từ chiều, nhà nhà đã chuẩn bị xong cho lễ đón giao thừa: Nào bánh chưng xanh, nào mai, nào quất được trang hoàng lộng lẫy, trên tường còn dán những câu đối đỏ. Đến ngày này, nhừng ai đi đâu dù xa đến mấy cũng đã trở về quây quần, tụ họp. Bữa cơm tất niên càng gắn kết mọi người lại với nhau. Mọi nguời trò chuyện như để ôn lại những gì đã qua và đang đón chào những gì sắp đến, tươi mới hơn. Xong bữa cơm, ai cũng nhộn nhịp với công việc đón giao thừa. Người lớn trang trí lại nhà cửa, bắt đầu sắp mâm lễ, những mâm lễ truyền thống thể hiện niềm khao khát, ước mong. Trẻ con chạy đùa vui nhộn, háo hức xem bắn pháo hoa. Chủng í ới gọi nhau hẹn cùng đón giao thừa. Ngoài đường, người và xe đi lại thưa thớt dân. Những ngọn đèn trong các ngõ xóm được thắp sáng. Mưa bụi bắt đầu rơi rơi nhẹ nhàng, thấm ướt trên cây lá. Không gian đất trời dần đi vào yên tĩnh, dường như nghe được từng hơi thở, từng nhịp đập của thời gian đang chuyển mình. Khoảnh khắc giao mùa sắp tới…

Chuông đồng hồ đánh đúng mười hai tiếng. Tất cả mọi người cùng hô vang. Từ các thôn xóm, đồng loạt pháo hoa nổ rầm trời, sáng rực lên như ban ngày. Đây là giây phút đẹp và rực rỡ nhất. Chị em tôi chạy ra cổng xem. Những chùm ánh sáng bay lên trời như mang theo mọi điều ước nguyện của con người bay cao. Tiếng pháo như đánh thức mọi vật, chuyển mình sang mùa xuân. Đất trời trong khoảnh khắc kì diệu ấy mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc ngập tràn. Mọi người nhìn nhau im lặng, nhắm mắt lại để không khí mùa xuân tràn đầy trong lòng, để hoà mình với không gian giao mùa. Trên bàn thờ tổ tiên, những nén nhang đã được thắp lên. Đó là lúc con người thầm nhớ và cảm ơn cội nguồn của mình. Sau những giây phút thiêng liêng ấy, người ta rộn ràng rủ nhau đi hái cành lộc hay cùng nhau đi chơi. Ngoài đường nhộn nhịp hẳn lên. Nhất là thanh niên, nô nức đi chơi xuân. Họ gặp nhau chúc nhaụ những điều may mắn nhất. Có nguời xông nhà sớm, hy vọng niêm vui sẽ đến suốt trong năm. Âm nhạc nổi lên khắp nơi, những bài hát mùa xuân thay cho lời chúc của con người gửi đến thiên nhiên…

Đêm giao thừa dần trôi vào yên tĩnh. Ngoài trời, mưa xuân vẫn nhẹ bay. Mọi người trong gia đình cùng bên nhau suốt đêm cùng thưởng thức những điều kì diệu trong đêm đầu tiên của năm mới. Thế là, mùa xuân đã về thật rồi.

Giao thừa là khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên nhưng cũng là khoảnh khắc giaọ mùa của con người, của lòng người. Giao thừa quê tôi thật giản.


Mẫu 2

Đêm giao thừa là một lễ hội vui vẻ được tổ chức trên toàn thế giới. Nước Việt Nam đêm giao thừa tính theo âm lịch. Lúc đó, mọi người trong gia đình bắt đầu lập kế hoạch cho những hoạt động vui chơi và chào đón một năm mới về nhà mình.

Giao thừa cũng giống như những lễ hội khác, mang lại niềm vui cho mọi người cũng như cho dân tộc Việt Nam. Giao thừa là thời điểm để mọi người bỏ qua những điều buồn bã, tồi tệ và bước một bước tích cực vào tương lai. Ai ai cũng cầu mong cho gia đình của mình hạnh phúc, sức khỏe tới. Những thành viên trong gia đình trồng những cây đào hoặc cây quất, nó là biểu tượng cho sự may mắn của một năm mới. Trên cây có trang trí với các loại thứ như: chuông, sao, dây đèn nhiều màu sắc,... 

 Mỗi gia đình sẽ ăn mừng vào tối 30 tháng 12 cho đến ngày 1 tháng 1. Những món thường có là gà, xôi gấc mang nhiều may mắn với đủ các loại nước ngọt nhiều màu sắc rực rỡ. Đúng 12 giờ, trên ti vi chủ tịch nước sẽ đọc thư chúc mừng năm mới gửi đến nhân dân ta và cả nước trong khoảnh khắc lễ hội pháo hoa chính thức bắt đầu. Lúc ấy, mỗi gia đình cùng nhau quây quần xem pháo hoa và cùng ăn thịt gà, đùi gà,... thật vui vẻ.

 Đêm giao thừa là một dịp đặc biệt đối với mỗi chúng ta . Trong năm mới , ta sẽ rút ra những sai lầm của chúng ta trong năm trước đưa ra lời thề mới . Nó giống như một lễ hội tiếp thêm năng lượng cho nhân dân, làm tăng ý nghĩa của Tết.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"