Đề thi học kì 2 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 1

2024-09-14 15:54:56

Đề thi

Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

(…) Hãy làm sao để bảy tỉ đứa con đang tung hô ta là mẹ này, giúp ta trường thọ hơn, như đứa con hiếu thảo giúp bà mẹ vĩ đại của mình trở lại sau bao ngày ốm đau, bệnh tật. Giúp ta luôn xứng đáng là ngôi nhà bình yên và tuyệt vời nhất cho các thế hệ kế tiếp của hàng ngàn đời sau trú ngụ.

Đừng là những đứa con hư huyễn, nhu cầu thái quá của mình. Hơn bảy tỉ người đều ban phát lòng yêu thương chúng sinh, ươm trồng gìn giữ dù chỉ là một cây xanh trong một năm, cho một người, trong mười năm, hai mươi năm thì ngôi nhà chung hành tinh xanh này sẽ rực rỡ, lộng lẫy đích thị là thiên đường của hạ giới không phải chạy tìm đâu xa.

Chỉ cần mỗi người gieo vào ta một niệm thiện, niệm thiện ấy bay xung quanh ta và lan tỏa ra hệ mặt trời với màu sắc lung linh, tươi sáng và phủ trùm Trái Đất một hạnh phúc mênh mông.

(Trích dẫn Bài viết thư UPU lần thứ 49 của Phùng Yến Nhi)

Câu 1. Đoạn văn trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào?

A. Văn bản tự sự, miêu tả

B. Văn bản miêu tả, biểu cảm

C. Văn bản nghị luận, tự sự

D. Văn bản thông tin

Câu 2. Chủ đề của ngữ liệu phản ánh vấn đề gì?

A. Bảo vệ Trái Đất

B. Bảo vệ động vật

C. Bảo vệ con người

D. Bảo vệ biển

Câu 3. Hành tinh xanh là từ dùng để gọi cho hành tinh:

A. Mặt trời

B. Mặt trăng

C. Trái Đất

D. Sao hỏa

Câu 4. Đoạn văn trên là lời kể của ai, sử dụng ngôi kể thứ mấy, xưng hô là gì?

Câu 5. Chi tiết nào giúp em biết được văn bản sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa?

Câu 6. Em hiểu nghĩa của cụm từ “thiên đường dưới hạ giới” là gì?

Câu 7. Qua phần ngữ liệu, em nhận thấy mong ước của Mẹ Trái Đất là gì?

Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1. Em hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của mình về lòng yêu thương con người.

Câu 2. Em hãy kể lại một truyền thuyết/ cổ tích/ truyện ngắn đã học bằng lời văn của mình.


Đáp án

Phần I:

Câu 1 (0.25 điểm):

Đoạn văn trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào?

A. Văn bản tự sự, miêu tả

B. Văn bản miêu tả, biểu cảm

C. Văn bản nghị luận, tự sự

D. Văn bản thông tin

Phương pháp giải:

Dựa vào đặc trưng thể loại

Lời giải chi tiết:

Đoạn văn trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nghị luận, tự sự

=> Đáp án: C

Câu 2 (0.25 điểm):

Chủ đề của ngữ liệu phản ánh vấn đề gì?

A. Bảo vệ Trái Đất

B. Bảo vệ động vật

C. Bảo vệ con người

D. Bảo vệ biển

Phương pháp giải:

Xác định nội dung mà ngữ liệu phản ánh

Lời giải chi tiết:

Chủ đề của ngữ liệu phản ánh vấn đề bảo vệ Trái Đất

=> Đáp án: A

Câu 3 (0.25 điểm):

Hành tinh xanh là từ dùng để gọi cho hành tinh:

A. Mặt trời

B. Mặt trăng

C. Trái Đất

D. Sao hỏa

Phương pháp giải:

Dựa vào ngữ cảnh để xác định

Lời giải chi tiết:

Hành tinh xanh là từ dùng để gọi cho Trái Đất

=> Đáp án: C

Câu 4 (0.25 điểm):

Đoạn văn trên là lời kể của ai, sử dụng ngôi kể thứ mấy, xưng hô là gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn trích, chú ý lời kể, cách xưng hô của người kể

Lời giải chi tiết:

Đoạn văn trên là lời kể của Trái Đất, ngôi kể thứ nhất, xưng hô là “Ta”

Câu 5 (0.5 điểm):

Chi tiết nào giúp em biết được văn bản sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, chú ý lời kể của nhân vật

Lời giải chi tiết:

Chi tiết giúp em biết được văn bản sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa là Trái Đất xưng hô là “ta”

Câu 6 (0.5 điểm):

Em hiểu nghĩa của cụm từ “thiên đường dưới hạ giới” là gì?

Phương pháp giải:

Xác định nghĩa dựa vào ngữ cảnh của cụm từ

Lời giải chi tiết:

Nghĩa của cụm từ “thiên đường dưới hạ giới” là nơi vui vẻ, hạnh phúc nhất

Câu 7 (1.0 điểm):

Qua phần ngữ liệu, em nhận thấy mong ước của Mẹ Trái Đất là gì?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ ngữ liệu

Lời giải chi tiết:

Mong ước của Mẹ Trái Đất:

- là ngôi nhà bình yên và tuyệt vời nhất cho các thế hệ kế tiếp của hàng ngàn đời sau trú ngụ.

- Đừng là những đứa con hư, cướp bóc, tàn phá mẹ mình đến khánh kiệt sức lực, tàn úa vì dục vọng hư huyễn, nhu cầu thái quá của mình.

- Chỉ cần mỗi người gieo vào ta một niệm thiện, niệm thiện ấy bay xung quanh ta và lan tỏa ra hệ mặt trời với màu sắc lung linh, tươi sáng và phủ trùm Trái Đất một hạnh phúc mênh mông.

Phần II (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm):

Em hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) nêu suy nghĩ của mình về lòng yêu thương con người.

Phương pháp giải:

1. Mở đoạn: dẫn dắt, giới thiệu vấn đề

2. Thân đoạn: bàn luận về vấn đề

3. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề

Lời giải chi tiết:

Dàn ý tham khảo:

1. Mở đoạn: dẫn dắt, giới thiệu vấn đề

Tình yêu thương: tình cảm giữa con người với con người, là sự đồng cảm, thấu hiểu, sẻ chia, giúp đỡ nhau,…

2. Thân đoạn: bàn luận về vấn đề

- Tình yêu thương được xuất phát từ trái tim, luôn yêu thương nhau, quan tâm người khác. Thể hiện ở sự biết giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ; biết hi sinh, tha thứ cho người khác.

- Ý nghĩa:

+ Khi giúp đỡ người khác, ta sẽ nhận lại sự kính trọng, niềm tin yêu của người khác và cả sự sẵn sàng giúp đỡ lại mình lúc mình gặp khó khăn.

+ Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn mình hơn.

+ Tình yêu thương giúp mang lại hạnh phúc cho nhân loại, làm cho tình cảm giữa con người với con người ngày một bền chặt hơn, góp phần xây dựng được một xã hội văn minh, giàu tình người.

- Mở rộng: phê phán những người sống vô cảm, không biết yêu thương con người, đối xử tệ bạc với nhau

3. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề

Lòng yêu thương rất quan trọng, cần biết quan tâm, chia sẻ, yêu thương con người nhiều hơn

Câu 2 (5 điểm):

Em hãy kể lại một truyền thuyết/ cổ tích/ truyện ngắn đã học bằng lời văn của mình.

Phương pháp giải:

1. Mở bài: giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện

2. Thân bài: Kể lại diễn biến câu chuyện

3. Kết bài: Kết thúc và nhận xét câu chuyện

Lời giải chi tiết:

Bài tham khảo:

Hội thi Hội khỏe Phù Đổng luôn được tổ chức hằng năm diễn ra trên mọi miền Tổ quốc. Đã bao giờ bạn tự đặt câu hỏi vì sao Hội thi lại mang tên người anh hùng dân tộc Gióng như vậy chưa? Đó là cả một điều tuyệt vời đấy. Sau đây, mình sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện truyền thuyết kì thú này nhé! Truyền thuyết kể lại rằng:

Vào đời Hùng Vương thứ sáu, nước Văn Lang bị giặc Ân xâm chiếm. Chúng phá làng, phá xóm, giết người không gớm tay. Ở khắp mọi nơi im bặt tiếng cười. Quân dân ta đã ra sức chiến đấu nhưng đều bị giặc Ân đánh gục, Vua Hùng bối rối vô cùng. Người bèn triệu các lạc hầu, lạc tướng tới để bàn kế. Bàn tới, bàn lui, rồi có một lạc hầu khuyên vua nên rao tìm người tài nơi dân chúng để ra cứu dân giúp nước. Vua và quần thần đều đồng ý với ý kiến này.

Ở làng Phù Đổng bấy giờ có một đôi vợ chồng đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con. Một hôm bà vợ ra vườn tưới rau, bỗng nhìn thấy một vết chân to dẫm nát cả luống cà. Lấy làm lạ, bà thử ướm chân của mình vào vết chân đó. Nào ngờ bà có thai và sinh ra một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Ít lâu sau, người cha mất, bà mẹ phải một mình tần tảo nuôi con. Cậu bé được mẹ đặt tên là Gióng, đã ba tuổi nhưng cậu vẫn không biết nói cười, không biết đi, biết đứng, suốt ngày chỉ nằm một chỗ. Hôm sứ giả đến làng Gióng, chiêng trống reo vang từ đầu làng đến cuối xóm. Sứ giả hô to:

- Vua muốn chọn người tài giúp nước đánh giặc!

Già, trẻ, lớn, bé đều vây kín xung quanh sứ giả, bàn tán xôn xao. Lúc này, Gióng vẫn nằm trên giường. Bà mẹ thấy vậy nói:

- Đất nước đang lâm nguy, con mau lớn nhanh để giúp nước!

Bà bỗng nghe Gióng nói:

- Mẹ ơi, con nghe lời mẹ ra giúp nước đây. Mẹ ra mời sứ giả vào đây để con bàn chuyện

Người mẹ hốt hoảng:

- Gióng ơi, con biết nói rồi sao?

Gióng gật đầu:

- Việc nước khẩn cấp, xin mẹ đừng chần chừ.

Bà mẹ vội vàng chạy đi mời sứ giả. Nhìn thấy sứ giả, Gióng dõng dạc nói:

- Sứ về tâu với vua đúc cho ta một thanh gươm sắt, một con ngựa sắt, một cái roi sắt, một bộ giáp sắt. Ta sẽ phá tan lũ giặc này. Hãy nhanh lên!

Trong khi những người thợ đang đúc gươm sắt, roi sắt, áo giáp và ngựa sắt thì tại làng Phù Đổng, Gióng bỗng lớn nhanh như thổi, mẹ nấu bao nhiêu cơm Gióng cũng ăn hết. Thấy vậy, dân làng góp gạo nuôi Gióng. Hàng nong cơm, nong cà to được bày ra để Gióng ăn. Ai ai cũng mong Gióng lớn thật nhanh, thật khỏe để ra trận lập công.

Đã đến lúc Gióng ra trận, mọi thứ đã sẵn sàng. Khi sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt đến, Gióng bỗng vươn vai lớn bổng thành một tráng sĩ khổng lồ, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ đội mũ, mặc áo giáp, lên ngựa rồi quay lại chào mẹ và bà con dân làng. Chàng thúc ngựa, ngựa sắt tung cao vó, phun ra một dòng lửa hồng hừng hực. Ngựa phi như bay, đến chân núi, Gióng đã gặp ngay giặc Ân. Chàng thúc ngựa lao vào giữa trận địa, vung gươm loang loáng. Từng lớp giặc Ân bại dưới roi sắt của Gióng. Gậy sắt gãy, Gióng bèn nhổ phăng bụi tre ven đường làm vũ khí tiếp tục chiến đấu. Giặc Ân phần thì đầu hàng, phần lớn thì bị giết chết. Chẳng mấy chốc không còn bóng giặc dữ nào còn trên đất nước ta. Quét sạch giặc dữ, Gióng phi thẳng ngựa dến chân núi Sóc Sơn, cởi giáp sắt, bỏ nón sắt lại như thay lời vĩnh biệt, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay về trời.

Đất nước Văn Lang đã thanh bình, ấm no. Vua và nhân dân biết ơn đã lập đền thờ người anh hùng cứu quốc ngay tại quê hương tráng sĩ. Vua phong cho Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Giờ đây, vẫn còn những ao nhỏ người ta vẫn thường nói rằng đó là vết chân ngựa của Gióng để lại, có cả làng Cháy và bụi tre ngả màu vàng óng vì ngày xưa ngựa Gióng phun lửa.

Nhiều thời đại qua đi, truyền thuyết về người anh hùng Thánh Gióng vẫn được lưu giữ và truyền tụng mãi trong dân gian từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thánh Gióng chính là biểu tượng cho ước mơ, sức mạnh bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Câu chuyện về người anh hùng Thánh Gióng đã không chỉ còn là niềm yêu thích của riêng tôi, mà nó đã là niềm say mê của bao thế hệ học trò.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"