Đề thi
Phần I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
TÔI LÀ MỘT CÁNH DIỀU
Bây giờ tôi là một cánh diều. Nhưng từ trước đây, lâu lắm rồi, tôi chẳng có hình thù gì cả. Hình như, tôi chỉ là một thứ gì đó mà người ta gọi là ước mơ. Rồi một ngày, cậu bé tạo ra tôi – như bây giờ.
Những buổi chiều, cậu thả tôi lên bầu trời. Ở trên cao, tôi bắt đầu bay lượn. Tôi là tôi – một cánh diều, và tôi cũng là tôi của một ngày nào xa lắm – những ước mơ. Những ước mơ mà cậu bé cất giữ từ trong một góc trái tim. Những ước mơ của một cô bé nào đó…
Tại sao? Tại sao cậu bé lại giữ lấy ước mơ của cô bé? Tại sao cậu bé lại tạo ra tôi? Có rất nhiều câu hỏi tại sao được đặt ra trong tôi mà tôi không biết được câu trả lời. Những khi ở trên cao, lười bay lượn, tôi len lén nhìn xuống thì thấy đôi mất cậu bé sáng lắm.
Cậu nói gì đó như là: “Bay cao nhé, ước mơ thiên thần của tôi…!”
(Trích dẫn Sống đẹp tập II)
Câu 1. Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào?
A. Văn bản thông tin
B. Văn bản biểu cảm
C. Văn bản nghị luận
D. Văn bản tự sự
Câu 2. Đoạn trích được kể theo ngôi kể thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. A và B đúng
Câu 3. Nhân vật tôi trong tác phẩm là ai?
A. Cậu bé
B. Cô bé
C. Tác giả
D. Cánh diều
Câu 4. Đáp án nào định nghĩa đúng nhất về nghĩa của từ ước mơ?
A. Ước mơ là những điều tốt đẹp mà mỗi người chúng ta khát vọng, mong muốn đạt được
B. Ước mơ là cánh cửa dẫn đến một thế giới khác. Một thế giới mênh mông, rộng lớn
Câu 5. Tìm 3 cụm danh từ được sử dụng trong đoạn văn
Câu 6. Những khi ở trên cao, lười bay lượn, tôi len lén nhìn xuống thì thấy đôi mắt cậu bé sáng lắm. Em hãy tưởng tượng cánh diều đã cảm nhận được điều gì qua đôi mắt sáng lắm của cậu bé.
Câu 7. Theo em vì sao cánh diều thường được xem là biểu tượng của những ước mơ?
Phần II: TẬP LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. Em hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chia sẻ mơ ước của mình trong tương lai.
Câu 2. Nhập vai một nhân vật trong truyện truyền thuyết hoặc cổ tích kể lại câu chuyện.
Đáp án
Phần I:
Câu 1 (0.25 điểm):
Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản nào? A. Văn bản thông tin B. Văn bản biểu cảm C. Văn bản nghị luận D. Văn bản tự sự |
Phương pháp giải:
Dựa vào đặc trưng thể loại
Lời giải chi tiết:
Văn bản trên mang đặc trưng của kiểu văn bản tự sự
=> Đáp án: D
Câu 2 (0.25 điểm):
Đoạn trích được kể theo ngôi kể thứ mấy? A. Ngôi thứ nhất B. Ngôi thứ hai C. Ngôi thứ ba D. A và B đúng |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn trích và chú ý lời của người kể
Lời giải chi tiết:
Đoạn trích được kể theo ngôi kể thứ nhất
=> Đáp án: A
Câu 3 (0.25 điểm):
Nhân vật tôi trong tác phẩm là ai? A. Cậu bé B. Cô bé C. Tác giả D. Cánh diều |
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Nhân vật tôi trong tác phẩm là cánh diều
=> Đáp án: D
Câu 4 (0.25 điểm):
Đáp án nào định nghĩa đúng nhất về nghĩa của từ ước mơ? A. Ước mơ là những điều tốt đẹp mà mỗi người chúng ta khát vọng, mong muốn đạt được B. Ước mơ là cánh cửa dẫn đến một thế giới khác. Một thế giới mênh mông, rộng lớn |
Phương pháp giải:
Dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ
Lời giải chi tiết:
Ước mơ là những điều tốt đẹp mà mỗi người chúng ta khát vọng, mong muốn đạt được
=> Đáp án: A
Câu 5 (0.5 điểm):
Tìm 3 cụm danh từ được sử dụng trong đoạn văn |
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức về cụm danh từ để xác định
Lời giải chi tiết:
3 cụm danh từ được sử dụng trong đoạn văn: một cánh diều, những ước mơ, một góc trái tim…
Câu 6 (0.5 điểm):
Những khi ở trên cao, lười bay lượn, tôi len lén nhìn xuống thì thấy đôi mắt cậu bé sáng lắm. Em hãy tưởng tượng cánh diều đã cảm nhận được điều gì qua đôi mắt sáng lắm của cậu bé. |
Phương pháp giải:
Tự tưởng tượng và chia sẻ
Lời giải chi tiết:
Cánh diều đã cảm nhận được niềm vui, sự mong chờ và khát vọng, ước mơ đang gửi gắm nơi cánh diều trên cao
Câu 7 (1.0 điểm):
Theo em vì sao cánh diều thường được xem là biểu tượng của những ước mơ? |
Phương pháp giải:
Nêu suy nghĩ của em
Lời giải chi tiết:
Trò chơi thả diều không những đem lại niềm vui cho trẻ em mà còn gửi gắm vào đó những ước mơ tươi đẹp. Ngay từ xa xưa, cánh diều đã biểu trưng cho những ước mong, khát vọng của cư dân Việt, luôn muốn được bay cao, vươn xa hơn. Nhìn lên bầu trời, qua hình ảnh cái diều, tâm hồn trẻ thơ đang chạy mãi với khát vọng bay cao, bay xa để khám phá những chân trời mới, tri thức mới, vùng đất mới. Để được chinh phục vẻ đẹp kỳ thú của thiên nhiên tạo hóa và cuộc sống tươi đẹp. Lắng nghe tiếng sáo diều vi vu, ngắm những cánh diều bay lơ lửng trên tầng mây và lúc những ước mơ của các em nhỏ được thắp sáng cháy mãi trong tâm hồn.
Phần II (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm):
Em hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chia sẻ mơ ước của mình trong tương lai. |
Phương pháp giải:
- Mở đoạn: dẫn dắt vấn đề
- Thân đoạn:
+ Ước mơ là gì?
+ Ước mơ trong sáng tích cực có ý nghĩa gì trong cuộc sống
+ Em đã nuôi dưỡng cho mình những ước mơ gì?
+ Em đã đang và sẽ làm gì để biến ước mơ thành sự thật
+ Em hứa sẽ nuôi dưỡng cho mình thật nhiều ước mơ hoài bão
+ Phê phán những người không có ước mơ và có những tham vọng tiêu cực
- Kết đoạn: khẳng định lại vai trò của ước mơ hoài bão của con người trong cuộc sống
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo:
Tác giả Phạm Lữ Ân đã từng viết “Đừng để ai đó đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm trong nơi sâu thẳm trái tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức”. Ước mơ là khát vọng là những điều tốt đẹp mà ta luôn muốn hướng tới. Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu ta biết ước mơ biết phấn đấu. Sống là phải biết ước mơ phải nghĩ tới những điều cao đẹp. Chính ước mơ làm cuộc sống chúng ta thêm động lực. Có thể ước mơ chỉ đơn giản là được cắp sách tới trường cùng bạn bè. Lớn hơn là ước mơ được đầy đủ về vật chất, tinh thần. Ước mơ được học rộng tài cao. Còn em, từ lâu đã nuôi dưỡng cho mình ước mơ sẽ được làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Rất nhiều bệnh nhân đang cần đến những bác sĩ giỏi để biến ước mơ thành sự thật.
Chúng ta cũng cần phê phán những kẻ sống thiếu ước mơ, sống không hoài bão. Họ giống như những loài côn trùng chỉ biết rúc mình trong bóng đêm mà không biết đâu là ánh sáng. Và mỗi chúng ta hãy nuôi dưỡng cho mình một ước mơ, hãy chăm chút cho ước mơ lớn lên và trưởng thành mỗi ngày. Vâng! “đủ nắng hoa sẽ nở, đủ gió chong chóng sẽ quay, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy” và chắc chắn đủ ước mơ bạn sẽ gặt hái được thành công. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn khi ta nuôi dưỡng ước mơ. Ước mơ giúp chắp cánh cho chúng ta bay cao, vươn xa tới những dự định hoài bão của mình.
Câu 2 (5 điểm):
Nhập vai một nhân vật trong truyện truyền thuyết hoặc cổ tích kể lại câu chuyện. |
Phương pháp giải:
1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận
2. Thân bài: Làm rõ nhận định, triển khai các luận điểm
3. Kết bài: Khái quát nội dung nghị luận
Lời giải chi tiết:
Dàn ý tham khảo:
1. Mở bài:
Giới thiệu nhân vật kể chuyện và câu chuyện được kể: Ta là Thánh Gióng, nhờ có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược nên ta đã được vua phong Phù Đổng Thiên Vương và dân làng đã lập đền thờ ta ở quê nhà
2. Thân bài: Làm rõ nhận định, triển khai các luận điểm
- Sự ra đời của Thánh Gióng: Khi bà lão đi ra đồng nhìn thấy bàn chân rất to liền đặt bàn chân mình ướm vào, rồi khi về nhà bà liền có thai, mười tháng sau thì hạ sinh ra ta.
- Thánh Gióng khi chưa gặp sứ giả: vì sứ mệnh nên dù đã lên ba tuổi ta cũng không nói, không cười và không đi đứng gì, cứ đặt ở đâu thì ta nằm ở đấy.
- Thánh Gióng sau khi gặp sứ giả: từ khi gặp sứ giả, ta bắt đầu lớn nhanh hơn, ăn mãi không no, cứ đem bao nhiêu đồ ăn ra cũng hết, vừa ăn vừa lớn đến nỗi áo vừa mặc ào đã căng đứt chỉ.
- Thánh Gióng đánh giặc Ân: đón đầu và đánh giết hết lớp giặc này đến lớp giặc khác, đi qua lớp nào là giặc nằm chết như ngả rạ
- Thánh Gióng về trời:
+ Sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, ta một mình một ngựa đứng trên đỉnh núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt rồi cùng ngựa từ từ bay về trời
+ Cảm xúc của Gióng: lưu luyến bịn rịn khi phải chia tay mãi mãi với cha mẹ, dân làng, trần thế
3. Kết bài: Khái quát nội dung nghị luận
Cảm nghĩ của nhân vật kể chuyện: Là người thực hiện sứ mệnh của Ngọc Hoàng, ta cảm thấy rất vui khi được nhìn con dân sống trong yên bình, hạnh phúc và ấm no.