Đề thi
Phần 1: Đọc hiểu (5 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đem đủ thứ của ngon vật lạ bày lên mâm cỗ mình làm để dự thi. Trong khi đó, mâm cỗ của Lang Liêu chỉ bày hai loại bánh. Vua Hùng xem lướt qua các mâm cỗ rồi dừng lại rất lâu trước những chồng bánh của Lang Liêu, tỏ vẻ thích thú. Vua cho gọi Lang Liêu đến, hỏi về các thứ bánh này. Chàng đem chuyện gặp thần trong mộng kể lại và giải thích về nguyên liệu, cách làm và ý nghĩa từng loại bánh.
Vua Hùng nếm thử, thấy bánh ngon và có ý nghĩa bèn cho họp mọi người, lại truyền rằng: “Những chiếc bánh tròn này tượng hình Trời, ta đặt tên là bánh giầy. Còn những chiếc bánh vuông tượng hình Đất, ta đặt tên là bánh chưng. Bánh có thịt mỡ, đậu xanh, lá dong… là tượng hình cầm thú, cây cỏ muôn loài,…; lá bọc ngoài, mĩ vị để trong ý nhắc người ra sống thân ái, đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật rất hợp ý ta. Vậy ta truyền ngôi cho con”.
Và cũng từ đó, người dân nước ta chăm nghề trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi khi tết đến, nhà nhà làm bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng Trời Đất và tổ tiên.
(Trích Bánh chưng, bánh giầy)
Câu 1 (0.5 điểm). Người kể chuyện trong đoạn trích sử dụng ngôi kể thứ mấy?
Câu 2 (0.5 điểm). Đến ngày hẹn, những người con của vua đã mang đến những lễ vật gì?
Câu 3 (1.0 điểm). Tìm thành ngữ trong câu sau và giải thích nghĩa của thành ngữ đó: Đến ngày hẹn, các hoàng tử đem đủ thứ của ngon vật lạ bày lên mâm cổ mình làm để dự thi.
Câu 4 (1.0 điểm). Theo em, câu chuyện này giải thích phong tục gì vào ngày Tết ở nước ta?
Câu 5 (2.0 điểm). Em hãy viết đoạn văn (khoảng 100 chữ) nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy.
Phần 2: Viết (5 điểm)
Em hãy đóng vai con chim Phượng Hoàng kể lại truyện Cây khế.
Đáp án
PHẦN I – ĐỌC HIỂU
Câu 1 (0.5 điểm)
Người kể chuyện trong đoạn trích sử dụng ngôi kể thứ mấy? |
Phương pháp:
Chú ý ngôi kể của văn bản
Lời giải chi tiết:
Ngôi kể: ngôi thứ ba
Câu 2 (0.5 điểm)
Đến ngày hẹn, những người con của vua đã mang đến những lễ vật gì? |
Phương pháp:
Đọc kĩ đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Đến ngày hẹn, những người con của vua đã mang đến những lễ vật:
- Các hoàng tử: mang của ngon vật lạ
- Lang Liêu: hai loại bánh, bánh chưng, bánh giầy
Câu 3 (1.0 điểm)
Tìm thành ngữ trong câu sau và giải thích nghĩa của thành ngữ đó: Đến ngày hẹn, các hoàng tử đem đủ thứ của ngon vật lạ bày lên mâm cổ mình làm để dự thi. |
Phương pháp:
Vận dụng kiến thức đã học về thành ngữ
Lời giải chi tiết:
Thành ngữ trong câu: của ngon vật lạ
Nghĩa của thành ngữ: chỉ những món ăn ngon, quý hiếm
Câu 4 (1.0 điểm)
Theo em, câu chuyện này giải thích phong tục gì vào ngày Tết ở nước ta? |
Phương pháp:
Đọc kĩ nội dung đoạn trích
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện này giải thích phong tục thờ cúng tổ tiên và làm bánh chưng, bánh giầy của nhân dân ta vào ngày Tết.
Câu 5 (2.0 điểm)
Em hãy viết đoạn văn (khoảng 100 chữ) nêu cảm nhận của em về ý nghĩa của bánh chưng, bánh giầy. |
Phương pháp:
Nêu suy nghĩ của em
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
- Bánh chưng, bánh giầy có ý nghĩa rất độc đáo: Bánh giầy là bánh hình tròn, tượng trưng cho Trời. Bánh vuông là bánh chưng tượng trưng cho đất. Bánh có thịt mỡ, đậu xanh, lá dong… là tượng hình cầm thú, cây cỏ muôn loài…; lá bọc ngoài, mĩ vị để trong ý nhắc người ta sống thân ái, đùm bọc nhau.
- Từ ý nghĩa của các loại bánh nhắc nhở mọi người biết quý trọng lúa gạo, biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
- Việc làm bánh chưng, bánh giầy ngày Tết cũng là một phong tục tốt đẹp của nhân dân ta.
PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (5 điểm)
Em hãy đóng vai con chim Phượng Hoàng kể lại truyện Cây khế. |
Phương pháp:
Đóng vai con chim Phượng Hoàng để kể lại truyện.
Triển khai sự việc theo trình tự hợp lý, cần có sự sắp xếp hợp lí các chi tiết và đảm bảo có sự kết nối giữa các chi tiết, sự việc.
Lời giải chi tiết:
- Đóng vai Phượng Hoàng để giới thiệu sơ lược về mình và câu chuyện Cây khế.
- Kể lại diễn biến các sự việc chính của câu chuyện Cây khế:
+ Ngày ấy, ở một làng nọ, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm, người anh chiếm hết gia tài, nhà cửa, ruộng vườn, chỉ chia cho người em một túp lều và một cây khế ngọt.
+ Vợ chồng người em ngày ngày chăm chỉ làm lụng, cày thuê, cuốc mướn, và chăm sóc cho cây khế ngày càng xanh tốt, sai trĩu cành, khế rất ngọt. Ta bay ngang qua, ngắm nhìn chùm khế sai quả, nên đáp xuống ăn, ăn hết quả này đến quả khác.
+ Hai vợ chồng không dám trách ta, mà khẽn than thở về gia cảnh của mình. Ta hứa hẹn, sẽ trả vàng cho họ, dặn họ may túi ba gang.
+ Đến ngày hẹn, ta chở người em ra đảo lấy vàng, người em thật thà mang cái túi ba gang và chỉ dám nhặt một ít vàng vừa đủ cái túi… Từ đó, cuộc sống của họ trở nên giàu có.
+ Người anh biết chuyện, muốn đổi cả gia tài để lấy cây khế và túp lều, người em đồng ý.
+ Ta lại đến ăn khế. Mọi chuyện diễn ra như cũ, nhưng người anh may hẳn một túi chín gang. Khi cho anh ta đến đảo vàng, hắn nhặt đầy tay nải chín gang, lại còn nhét cả ống quần, túi áo. Ta thấy hắn thật tham lam và khác xa với người em. Dù rất bực tức nhưng ta vẫn để hắn ngồi lên lưng bay về.
+ Do phải cõng trên lưng số vàng quá lớn, lại gặp cơn gió to, ta không chở nổi, kêu hắn bỏ bớt số vàng nhưng hắn không chịu. Ta nghiêng cánh, người anh và toàn bộ số vàng rơi xuống biển. Còn ta cố gắng bay về rừng.
- Kể kết cục và ý nghĩa truyện:
+ Người em tốt bụng được sống sung sướng còn người anh tham lam phải chịu hậu quả xứng đáng.
+ Mong ước của ngời kể chuyện: không còn ai quá tham alm, ích kỉ; ở hiền gặp lành; ác giả ác báo