Đề thi học kì 2 Văn 6 Kết nối tri thức - Đề số 13

2024-09-14 15:55:00

Đề thi

PHẦN I – ĐỌC HIỂU (5 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

“Ngày xưa có một cô bé vô cùng hiếu thảo sống cùng với mẹ trong một túp lều tranh dột nát. Thật không may mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên không có tiền mua thuốc chữa bệnh, cô bé vô cùng buồn bã.

Một lần đang ngồi khóc bên đường bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn dừng lại hỏi. Khi biết sự tình ông già nói với cô bé:

- Cháu hãy vào rừng và đến gốc cây cổ thụ to nhất trong rừng, hãy lấy một bông hoa duy nhất trên đó. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống bằng ấy năm.

Cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới nhìn thấy bông hoa trắng đó, khó khăn lắm cô mới trèo lên được để lấy bông hoa, nhưng khi đếm chỉ có một cánh… hai cánh… ba cánh… bốn cánh… năm cánh. Chỉ có năm cánh hoa là sao nhỉ? Chẳng lẽ mẹ cô chỉ sống được từng đó năm thôi sao? Không đành lòng cô liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên, nhiều đến mức không còn đếm được nữa. Từ đó, người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé dành cho mẹ mình”.

(Truyện cổ tích Việt Nam đặc sắc, NXB Văn học)

Câu 1 (1.0 điểm) Văn bản trên được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Câu 2 (0.5 điểm) Theo em, vì sao cô bé lại tước mỗi cánh hoa lớn ra thành nhiều cánh hoa nhỏ?

Câu 3 (2.0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống bằng ấy năm”

Câu 4 (0.5 điểm) Giải nghĩa từ “hiếu thảo”

Câu 5 (1.0 điểm) Bản thân em đã làm được những việc gì để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ?

PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (5 điểm)

Đóng vai một nhân vật kể lại một truyền thuyết hoặc tuyện cổ tích mà em đã học hoặc đã đọc?


Đáp án

Câu 1 (1.0 điểm)

Văn bản trên được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

Phương pháp:

Chú ý ngôn ngữ, lời kể của nhân vật

Vận dụng kiến thức đã học về các phương thức biểu đạt

Lời giải chi tiết:

- Ngôi kể thứ 3

- Phương thức biểu đạt: tự sự

Câu 2 (0.5 điểm)

Theo em, vì sao cô bé lại tước mỗi cánh hoa lớn ra thành nhiều cánh hoa nhỏ?

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

Cô bé tước mỗi cánh hoa lớn ra thành nhiều cánh nhỏ vì cô mong muốn người mẹ yêu quý của cô được sống lâu hơn.

Câu 3 (2.0 điểm)

Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống bằng ấy năm”

Phương pháp:

Vận dụng kiến thức đã học về các biện pháp tu từ

Lời giải chi tiết:

- Biện pháp tu từ: So sánh

- Tác dụng:

+ Câu văn thêm sinh động, giàu sức gợi cảm

+ Gợi sự hình dung kì diệu: Có bao nhiêu cánh hoa cúc thì người mẹ sẽ sống thêm bấy nhiêu năm

+ Gợi tình yêu mẹ bao la của cô bé với mong ước người mẹ của mình sống thật lâu. Từ đó, tác giả ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng

Câu 4 (0.5 điểm)

Giải nghĩa từ “hiếu thảo”

Phương pháp:

Giải thích nghĩa của từ

Lời giải chi tiết:

Nghĩa của từ “hiếu thảo”: có lòng kính yêu cha mẹ

Câu 5 (1.0 điểm)

Bản thân em đã làm được những việc gì để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ?

Phương pháp:

Liên hệ thực tế bản thân em

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Giúp đỡ những việc vừa sức: dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt quần áo…

- Chăm sóc ông bà, cha mẹ khi ông bà, cha mẹ ốm đau.

- Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với ông bà, cha mẹ.

- Học tập chăm chỉ, rèn luyện đạo đức tốt để ông bà, cha mẹ vui lòng.

PHẦN II – TẬP LÀM VĂN (5 điểm)

Đóng vai một nhân vật kể lại một truyền thuyết hoặc tuyện cổ tích mà em đã học hoặc đã đọc?

Phương pháp:

- Mở bài: Đóng vai nhân vật để tự giới thiệu sơ lược về mình và câu chuyện định kể, cảm xúc khái quát của người kể.

- Thân bài:

+ Ý 1: Kể về diễn biến của sự việc theo một trình tự nhất định ở ngôi thứ nhất.

+ Ý 2: Khi kể có tưởng tượng sáng tạo nhưng không thoắt ly cốt truyện, tránh làm thay đổi, biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện.

+ Ý 3: Cần có sự sắp xếp hợp lí các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các phần. Nên nhấn mạnh, khai thác nhiều hơn những chi tiết tưởng tượng, hư cấu, kì ảo.

+ Ý 4: Cần bổ sung các yếu tố miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật.

- Kết bài: Nêu được ý nghĩa, bài học rút ra từ câu chuyện kể; cảm xúc của bản thân khi được đóng vai nhân vật; lời cảm ơn của bản thân em…

Lời giải chi tiết:

Đóng vai nhân vật người em kể lại truyện Cây khế:

      Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân. Vì chăm chỉ làm lụng nên bố mẹ tội cũng có của ăn của để, hi vọng sau này cho anh em tôi làm vốn sinh nhai. Nhưng rồi cha mẹ tôi mất đột ngột. Anh trai tôi đã không làm như lời cha mẹ dặn trước lúc lâm chung là chia đều tài sản cho hai anh em mà chiếm hết gia tài, chỉ để lại cho tôi một túp lều nhỏ và cây khế còi cọc ở góc vườn.

       Tôi chấp nhận mà không hề kêu ca, than phiền gì. Hằng ngày, tôi phải mò cua bắt ốc, cày thuê, cuốc mướn để sống. Cây khế trở thành tài sản quý giá nhất và là người bạn thân thiết của tôi. Tôi chăm sóc nó chu đáo, tận tình như người bạn. Vì vậy mà cây khế lớn rất nhanh và chẳng bao lâu đã ra hoa kết quả. Đến mùa khế chín, những chùm khế chín vàng óng, thơm lừng báo hiệu một mùa khế bội thu. Không thể nào nói hết được niềm hạnh phúc của mọi người trong gia đình tôi. Tôi đã đan những chiếc sọt để ngày mai đem khế ra chợ đổi lấy gạo. Sáng hôm đó, khi vừa thức dậy, tôi đã nhìn thấy trên cây khế có một con chim to với bộ lông sặc sỡ đang ăn những quả khế chín. Lòng tôi đau như cắt. Tôi chạy đến dưới gốc cây và nói: “Chim ơi! Ngươi ăn khế của ta thì gia đình ta biết lấy gì để sống?”. Chim bỗng ngừng ăn và cất tiếng trả lời: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang mang đi và đựng”. Nói rồi chim bay đi. Tôi không tin lắm vào chuyện lạ lùng đó nhưng vẫn bảo vợ may cho mình một chiếc túi ba gang. Sáng hôm sau, chim đến từ sớm và đưa tôi ra một hòn đảo nhỏ giữa biển. Tôi không thể tin vào những gì hiện ra trước mắt. Cả hòn đảo toàn vàng bạc châu báu chất đống. Cả hòn đảo ánh lên màu vàng làm tôi bị lóa mắt. Không hề có một bóng người. Tôi cảm thấy lo sợ, cứ đứng yên một chỗ. Nhưng rồi chim vỗ cánh và giục giã: “Anh hãy lấy vàng bạc, châu báu vào túi, rồi tôi đưa về.” Lúc đó tôi mới dám nhặt vàng cho vào đầy túi ba gang rồi lên lưng chim để trở về đất liền.

       Từ đó, gia đình tôi không còn phải ăn đói mặc rách nữa. Tôi dựng một căn nhà khang trang ngay trong khu vườn, nhưng vẫn giữ lại túp lều và cây khế.

        Tôi dùng số của cải đó chia cho những người dân nghèo khổ trong làng. Cây khế bây giờ đã to lớn, toả bóng mát xuống cả một góc vườn. Mùa khế nào tôi cũng chờ chim thần đến để bày tỏ lòng biết ơn.

       Câu chuyện lan đến tai người anh trai tôi. Một sáng, anh đến nhà tôi rất sớm. Đây là lần đầu tiên anh tới thăm tôi kể từ ngày bố mẹ mất. Anh đòi tôi đổi toàn bộ gia sản của anh lấy túp lều và cây khế. Tôi rất buồn khi phải chia tay với căn nhà và cây khế. Nhưng trước lời cầu khẩn của anh, tôi đành bằng lòng. Cả gia đình anh chuyển về túp lều cũ của tôi. Ngày nào anh cũng ra dưới gốc khế chờ chim thần đến. Mùa khế chín, chim cũng trở về ăn khế. Vừa thấy chim, anh tôi đã khóc lóc, kêu gào thảm thiết và đòi chim phải trả vàng. Chim cũng hứa sáng mai sẽ đưa anh tôi ra đảo vàng và dặn may túi ba gang. Tối hôm đó, anh tôi thức cả đêm để may túi mười gang ngày mai đi lấy vàng. Anh đi cùng chim thần từ rất sớm, nhưng đến tối mịt vẫn chưa về. Cả làng đồn nhau rằng những ngư dân đã nhìn thấy chim thần chở anh ngã nhào xuống biển, cả anh và số vàng cùng chìm sâu xuống lòng nước mênh mông kia. Dù đã tìm kiếm nhưng không thấy nên mọi người đành chấp nhận rằng anh đã chết dưới đáy biển.

       Tôi trở lại sống ở nhà cũ, cùng túp lều và cây khế. Nhưng chim thần không bao giờ còn quay trở lại nữa… Anh trai tôi đã không thể quay trở về chỉ vì lòng tham vô đáy. Một nỗi buồn man mác dâng lên trong lòng tôi.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"