Lý thuyết
1. Lý thuyết về thơ
Yếu tố | Thơ | Thơ lục bát | Ca dao |
Khái niệm | Là hình thức nghệ thuật dùng từ trong ngôn ngữ làm chất liệu, và sự chọn lọc từ cũng như tổ hợp của chúng được sắp xếp dưới hình thức lôgíc nhất định tạo nên hình ảnh hay gợi cảm âm thanh có tính thẩm mỹ cho người đọc, người nghe | Là thể thơ có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Một cặp câu lục bát gồm một dòng 6 tiếng (dòng lục) và một dòng 8 tiếng (dòng bát) | Là tên gọi chung của các thể loại trữ tình dân gian kết hợp giữa lời và nhạc, diễn tả đời sống nội tâm của con người. |
Đặc trưng | Nội dung: thơ là là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức Hình thức: thơ biểu hiện bằng biểu tượng, ý tượng với ngôn từ thơ được cấu tạo đặc biệt | - Cách gieo vần: tiếng thứ sáu của dòng lục vần với tiếng thứ sấu của dòng bát kế nó, tiếng thứ tám dòng bát vần với tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo - Ngắt nhịp: thường ngắt nhịp chẵn như 2/2/2, 2/4/2, 4/4… | - Nội dung: diễn tả đời sống tinh thần, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các quan hệ đôi lứa, gia đình, quê hương, đất nước,… - Hình thức: ngắn gọn, sử dụng thể lục bát hoặc lục bát biến thể |
2. Khái quát nội dung chính các văn bản
Văn bản | Tác giả | Xuất xứ | Nội dung chính | Giá trị nghệ thuật |
À ơi tay mẹ | Nguyễn Đăng Hào | 2003, bài thơ được tác giả gửi dự thi Thơ lục bát trên báo Văn Nghệ. | Bày tỏ tình cảm của người mẹ với đứa con nhỏ bé của mình. Qua hình ảnh đôi bàn tay và những lời ru, bài thơ đã khắc họa thành công một người mẹ Việt Nam điển hình: tần tảo, chắt chiu, yêu thương, hi sinh...đến quên mình. | - Thể thơ lục bát nhịp nhàng như lối hát ru con. - Phối hợp hài hòa các biện pháp tu từ: ẩn dụ, điệp từ, điệp cấu trúc. |
Về thăm mẹ | Đinh Nam Khương | Trích Mẹ (Tuyển thơ) - 2002. | Bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiện hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con. | - Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm. - Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, liệt kê. |
Ca dao Việt Nam | Dân gian | Dân gian | Ba bài ca dao thể hiện các phương diện tình cảm, trong đó có tình cảm gia đình. | - Sử dụng thể thơ lục bát - Sử dụng biện pháp so sánh tăng sức gợi hình gợi cảm, nhấn mạnh sự quan trọng của tình cảm gia đình |
Đêm nay Bác không ngủ | Minh Huệ (1927-2003) | Viết năm 1951, dựa trên sự kiện trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận theo dõi và chỉ huy cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta. Bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” miêu tả hoàn cảnh khi mọi người ngủ ở túp lều tranh. | Tác phẩm kể về một đêm không ngủ của Hồ Chí Minh trên đường đi chiến dịch trong thời kì kháng chiến chống Pháp và thể hiện tấm lòng yêu thương sâu sắc của Bác Hồ với nhân dân và bộ đội Việt Nam và tình cảm khâm phục, kính yêu của người chiến sĩ đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. | - Thể thơ 5 chữ, có nhiều vần liền thích hợp với lối kể chuyện. - Phương thức biểu đạt tự sự, kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố biểu cảm và miêu tả. - Hình ảnh, chi tiết giản dị, chân thực, cảm động. |
Lượm | Tố Hữu (1920-2002) | Năm 1946, diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt giữa ta và Pháp tại Huế, đến tháng 2 năm 1947 quân ta chuyển địa điểm lên chiến khu. Tại thời điểm này, nhà thơ Tố Hữu vừa từ Hà Nội vào Huế, tình cờ gặp chú bé liên lạc Lượm. Không lâu sau đó, trong một chuyến công tác, nhà thơ hay tin Lượm đã hi sinh anh dũng trên đường làm nhiệm vụ. Xúc động, nhớ thương trước chú bé liên lạc nhỏ bé mà can trường này, ông đã sáng tác nên bài thơ. | - Bài thơ đã khắc họa hình ảnh chú bé liên lạc Lượm hồn nhiên, vui tươi, hăng hái, dũng cảm. Lượm đã hi sinh nhưng hình ảnh của em còn mãi với quê hương, đất nước và trong lòng mọi người. - Qua đây, tác giả cũng bày tỏ niềm cảm phục, trân trọng, ngợi ca trước sự hi sinh to lớn của các em bé giao liên như Lượm đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của cách mạng nước nhà. | - Thể thơ 4 chữ dễ đọc, dễ nhớ, cách gieo vần cách hợp lí phù hợp với lối kể chuyện. - Kết hợp linh hoạt giữa phương thức kể, miêu tả và biểu cảm. - Hệ thống từ láy gợi hình, gợi cảm làm nổi bật lên ngoại hình cũng như tính cách, phẩm chất nhân vật. - Khắc họa nhân vật thành công, để lại nhiều cảm xúc. |
Gấu con chân vòng kiềng | An-đrây A-lếch-xê-ê-vich U-xa-chốp | Gấu con chân vòng kiềng nêu lên vấn đề về ngoại hình của con người. Bài thơ khẳng định ngoại hình không quan trọng và không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài. | Thể thơ năm chữ cùng các biện pháp nghệ thuật: điệp ngữ, hoán dụ,... |
Đề bài
Câu 1: Đọc văn bản À ơi tay mẹ, tìm hình ảnh, chi tiết thể hiện “phép nhiệm màu” của bàn tay mẹ. Những dòng thơ nào nói lên đức hi sinh của người mẹ?
Câu 2: Viết đoạn văn cảm nhận về hình ảnh lời ru trong văn bản À ơi tay mẹ.
Câu 3: Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng oà mưa rơi
Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm
Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con
Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.
a. Bài thơ là lời của ai? Cảm xúc như thế nào?
b. Hoàn cảnh “Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà” có tác dụng gì trong ý thơ?
c. Hình ảnh “bếp lửa”, “áo tơi”, “nón mê” ẩn dụ cho điều gì?
d. Xác định biện pháp tu từ bổi bật trong câu thơ “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa”?
Câu 4: Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi:
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
a. Nêu nội dung chính của bài ca dao trên.
b. Bài ca dao giáo dục chúng ta điều gì?
Câu 5: Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh”
a. Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?
b. Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
c. Trong đoạn thơ, anh đội viên đã phát hiện ra một chân lí bình dị nhưng lớn lao, đó là gì?
d. Phân tích vẻ đẹp của khổ thơ.
Câu 6: Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ có nói đến ba lần anh bộ đội thức dậy nhưng tại sao tác gải chỉ kể lại lần thứ nhất và thứ 3?
Câu 7: Cho câu thơ sau và trả lời câu hỏi:
“Chú bé loắt choắt…”
a. Chép tiếp những câu thơ tiếp theo để hoàn thiện khổ thơ thứ 2 và thứ 3 trong một bài thơ em đã học.
b. Hai khổ thơ trích trong bài thơ nào, của ai?
c. Nêu nội dung chính của hai khổ thơ.
Câu 8: Đọc bài thơ Gấu con chân vòng kiềng và trả lời các câu hỏi:
a. Văn bản thuộc thể loại nào?
b. Ý nghĩa của bài thơ là gì?
c. Kể lại câu chuyện trong bài thơ theo diễn biến tâm trạng của gấu con trong khoảng 7 dòng.
Hướng dẫn giải
Câu 1:
Đọc văn bản À ơi tay mẹ, tìm hình ảnh, chi tiết thể hiện “phép nhiệm màu” của bàn tay mẹ. Những dòng thơ nào nói lên đức hi sinh của người mẹ? |
Phương pháp:
Đọc kĩ văn bản À ơi tay mẹ, chú ý những câu thơ có hình ảnh tay mẹ
Lời giải chi tiết:
- Những hình ảnh chi tiết thể hiện phép màu từ tay mẹ:
+ Bàn tay mẹ - chắn mưa
+ Bàn tay mẹ - chặn bão
+ Bàn tay mẹ - thức một đời, dù bể cạn đá mòn vẫn còn hát ru
- Những dòng thơ nói lên đức hi sinh của mẹ:
Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng
Bàn tay mẹ thức một đời
Mai sau bể cạn non mòn
À ơi tay mẹ vẫn còn hát ru
Bàn tay mang phép nhiệm màu
Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi
Câu 2:
Viết đoạn văn cảm nhận về hình ảnh lời ru trong văn bản À ơi tay mẹ. |
Phương pháp:
Ôn lại văn bản À ơi tay mẹ, chú ý hình ảnh lời ru và nêu cảm nhận
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo:
Tuổi thơ của mỗi đứa trẻ hẳn không thể thiếu được lời ru của bà, của mẹ - nhân tố chính đưa chúng ta vào giấc ngủ ngon. Bài thơ “À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên đã đưa lời ru của mẹ vào với những hình ảnh gần gũi nhất đối với một đứa trẻ. Trong lời ru của mẹ xuất hiện ánh trăng, ngọn gió thu, sương mù, lá cây,... cho đứa con có thể hình dung được về thế giới, sự vật quanh mình. Lời ru của mẹ bắt đầu bằng hai tiếng “à ơi” thân thiết, yêu thương, là cách gọi âu yếm của cha mẹ đối với con cái. Lời ru ấy được tác giả cảm nhận bằng mọi sự vật, mọi cung bậc cảm xúc của tình thương. Lời ru của mẹ không chỉ đơn thuần ru con ngủ mà còn làm “mềm ngọn gió thu”, “tan đám sương mù”, làm “cái khuyết tròn đầy", “sóng lặng bãi bồi”, “đời nín cái đau”,... Thực ra lời ru đâu có sức mạnh như thế, chính tình cảm được truyền tải của người mẹ và sự cảm vừa ngây thơ vừa sâu sắc của tác giả đã làm lời ru ấy trở nên kì diệu, thiêng liêng. Mượn hình ảnh lời ru, tác giả còn nói tới những sự vật, hiện tượng ẩn sau đó, cũng là để cảm nhận về thế giới qua người mẹ tần tảo của mình. Đồng thời nâng lời ru trở thành đôi cánh, sức mạnh để mỗi đứa trẻ thêm hạnh phúc và tự tin. Lời ru của mẹ không chỉ ru giấc ngủ của con mà còn ru cả những nỗi niềm, thổn thức trong tâm hồn trẻ thơ bé bỏng của mỗi đứa trẻ trước thế giới bao la rộng lớn.
Câu 3:
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi: a. Bài thơ là lời của ai? Cảm xúc như thế nào? b. Hoàn cảnh “Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà” có tác dụng gì trong ý thơ? c. Hình ảnh “bếp lửa”, “áo tơi”, “nón mê” ẩn dụ cho điều gì? d. Xác định biện pháp tu từ bổi bật trong câu thơ “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa”? |
Phương pháp:
Ôn lại văn bản Về thăm mẹ
Lời giải chi tiết:
a.
Bài thơ là lời của người con trở về nhà sau nhiều ngày xa nhà thể hiện cảm xúc về mẹ.
Đó là cảm xúc nghẹn ngào, nhớ thương mẹ hiền sau bao ngày đi xa và trở về không thấy mẹ.
b. Hoàn cảnh “Bếp chưa lên khói mẹ không có nhà” có tác dụng giúp tác gải có thời gian tĩnh lặng để quan sát và nghĩ về mẹ.
c. Các hình ảnh “bếp lửa”, “áo tơi”, “nón mê” ẩn dụ cho sự lam lũ, vất vả của mẹ
d. Biện pháp tu từ nổi bật trong câu thơ “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa” là nhân hóa hình ảnh nón mê đứng, ngồi
Câu 4:
Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi: Công cha như núi ngất trời Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông Núi cao biển rộng mênh mông Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi! a. Nêu nội dung chính của bài ca dao trên. b. Bài ca dao giáo dục chúng ta điều gì? |
Phương pháp:
Ôn lại kiến thức bài Ca dao Việt Nam
Lời giải chi tiết:
a. Nội dung chính của bài ca dao: Công ơn to lớn của cha mẹ đối với con
b. Bài ca dao giáo dục chúng ta về lòng biết ơn, tình yêu thương, sự hiếu thảo, kính trọng
Câu 5:
Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: “Đêm nay Bác ngồi đó Đêm nay Bác không ngủ Vì một lẽ thường tình Bác là Hồ Chí Minh” a. Đoạn thơ trên trích trong văn bản nào? Tác giả là ai? b. Cho biết phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. c. Trong đoạn thơ, anh đội viên đã phát hiện ra một chân lí bình dị nhưng lớn lao, đó là gì? d. Phân tích vẻ đẹp của khổ thơ. |
Phương pháp:
Ôn lại nội dung bài thơ Đêm nay Bác không ngủ.
Lời giải chi tiết:
a. Đoạn thơ trích trong văn bản Đêm nay Bác không ngủ của tác giả Minh Huệ
b. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: biểu cảm
c. Trong đoạn thơ, anh đội viên đã phát hiện ra tình yêu thương ruột thịt nồng nàn của Bác dành cho những người chiến sĩ như những người thân trong gia đình trong cảnh rừng núi khắc nghiệt.
d.
- Hình ảnh Bác hiện lên cao cả mà thân thương.
- Điệp khúc “Đêm nay...” có ý nghĩa nhấn mạnh tình cảm yêu thương, lo lắng của Bác đối với người lính, với cuộc sống chiến đấu của cả dân tộc.
- Cách cắt nghĩa lí do Bác không ngủ rất đơn giản nhưng lại hết sức chính xác, làm nổi bật chân dung Bác Hồ giản dị mà vĩ đại.
=> Tác giả ngợi ca tấm lòng bao dung rộng lớn, đức hi sinh cao cả của Bác. Đoạn thơ còn là tình cảm biết ơn trân trọng đối với Bác Hồ kính yêu.
Câu 6:
Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ có nói đến ba lần anh bộ đội thức dậy nhưng tại sao tác gải chỉ kể lại lần thứ nhất và thứ 3? |
Phương pháp:
Ôn lại nội dung bài thơ Đêm nay Bác không ngủ.
Lời giải chi tiết:
- Bài thơ không nhắc đến lần thứ 2 vì:
+ Kể lần hai thì bài thơ sẽ quá dài, thiếu sự cô đọng cần thiết.
+ Tác giả thay lần thứ hai bằng cách diễn tả chân thực, tự nhiên sự thay đổi trong tâm trạng và nhận thức của người lính.
Câu 7:
Cho câu thơ sau và trả lời câu hỏi: “Chú bé loắt choắt…” a. Chép tiếp những câu thơ tiếp theo để hoàn thiện khổ thơ thứ 2 và thứ 3 trong một bài thơ em đã học. b. Hai khổ thơ trích trong bài thơ nào, của ai? c. Nêu nội dung chính của hai khổ thơ. |
Phương pháp:
Ôn lại bài thơ Lượm
Lời giải chi tiết:
a.
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng”
b. Hai khổ thơ trích trong bài thơ Lượm của nhà thơ Tố Hữu
c. Đoạn thơ miêu tả hình ảnh chú bé Lượm hồn nhiên, ngây thơ, vui tươi và nhí nhảnh
Câu 8:
Đọc bài thơ Gấu con chân vòng kiềng và trả lời các câu hỏi: a. Văn bản thuộc thể loại nào? b. Ý nghĩa của bài thơ là gì? c. Kể lại câu chuyện trong bài thơ theo diễn biến tâm trạng của gấu con trong khoảng 7 dòng. |
Phương pháp:
Đọc bài thơ Gấu con chân vòng kiềng
Lời giải chi tiết:
a. Văn bản thuộc thể loại thơ
b. Ý nghĩa bài thơ khẳng định ngoại hình không quan trọng, khuyên nhủ mọi người không nên đánh giá người khác qua ngoại hình
c.
Bài tham khảo:
Một ngày nọ, gấu con đi dạo trong rừng nhỏ. Đột nhiên, khi đang nhặt thông và hát líu lo, một quả thông rơi trúng gấu con. Gấu con loạng choạng, vấp phải chân và ngã cái bộp. Thấy gấu con bị ngã, con sáo trên cành hét to trêu chọc: “Ê gấu, chân vòng kiềng/ Giẫm phải đuôi à nhóc”. Rồi lại đến cả năm con thỏ trong bụi cũng hùa theo rồi hét thật to “đến xấu”. Thế rồi ai cũng biết, tất cả đều chê bai. Gấu con tủi thân chạy về mách mẹ “Con thà chết còn hơn”. Nó nấp sau cánh tủ, khóc nức vì bị cả khu rừng trêu chọc chân vòng kiềng xấu. Ngạc nhiên thay, mẹ gấu khen chân gấu rất đẹp, mẹ luôn tự hào về gấu con của mẹ. Cả mẹ, bố chân đều cong và ông nội - con gấu giỏi nhất vùng - cũng vậy. Gấu con nghe vậy thì bình tâm trở lại, ăn bánh mật và bước ra kiêu hãnh, vui vẻ hét to “Chân vòng kiềng là ta/ Ta vào rừng đi dạo!”.