Giải bài 41 trang 121 sách bài tập toán 9 - Cánh diều tập 1

2024-09-14 18:55:53

Đề bài

Cho hai đường tròn (O; R) và (O; 2R). Một dây cung AB của đường tròn (O; 2R) tiếp xúc với đường tròn (O; R) tại M. Kẻ tiếp tuyến thứ hai AN của đường tròn (O; R). Gọi S1 là diện tích của hình tạo bởi cung ACB và dây AB của đường tròn (O; 2R), S2 là diện tích của hình tạo bởi hai tiếp tuyến AM, AN và cung nhỏ MN của đường tròn (O; R) và S3 là diện tích của hình tròn (O; R) (Hình 45). Chứng minh S1 + S2 = S3.

Phương pháp giải - Xem chi tiết

Bước 1: Tính AM và góc AOM.

Bước 2: Tính AB và góc AOB (dựa vào \(\Delta OAM = \Delta OBM\)).

Bước 3: Tính góc MON.

Bước 4: Tính S1 = diện tích quạt tròn AOB – diện tích tam giác OAB.

Bước 5: Tính S2 = diện tích tam giác OAM + diện tích tam giác \(\Delta OAN\) - diện tích quạt tròn OMN.

Bước 5: Tính S1 + S2 rồi so sánh với S3.

Lời giải chi tiết

Vì AB tiếp xúc với (O;R) tại M nên AB là tiếp tuyến của (O;R), do đó \(OC \bot AB\) tại M hay \(\widehat {AMO} = \widehat {BMO} = 90^\circ \).

Áp dụng định lý Pythagore trong tam giác AMO vuông tại M có \(AM = \sqrt {A{O^2} - M{O^2}}  = \sqrt {{{\left( {2R} \right)}^2} - {R^2}}  = R\sqrt 3 \)

Ta lại có \(\cos \widehat {AOM} = \frac{{OM}}{{OA}} = \frac{R}{{2R}} = \frac{1}{2}\) suy ra \(\widehat {AOM} = 60^\circ \).

Xét tam giác OAM và tam giác OBM có:

\(OA = OB\left( { = 2R} \right)\);

OM chung;

\(\widehat {AMO} = \widehat {BMO} = 90^\circ \)

Suy ra \(\Delta OAM = \Delta OBM\) (cạnh huyền – cạnh góc vuông)

Do đó \(AM = BM = \frac{{AB}}{2}\) và \(\widehat {AOM} = \widehat {BOM} = \frac{{\widehat {AOB}}}{2}\)

Suy ra \(AB = 2AM = 2R\sqrt 3 \) và \(\widehat {AOB} = 2\widehat {AOM} = 2.60^\circ  = 120^\circ \).

Do AM, AN là 2 tiếp tuyến của (O;R) nên \(\widehat {AOM} = \widehat {AON} = \frac{{\widehat {MON}}}{2}\) hay \(\widehat {MON} = 2\widehat {AOM} = 2.60^\circ  = 120^\circ \).

Xét tam giác OMA và tam giác ONA có:

OA chung;

\(OM = ON\left( { = R} \right)\);

\(AM = AN\) (tính chất 2 tiếp tuyến cắt nhau)

Suy ra \(\Delta OAM = \Delta OAN\)(c.c.c), nên \({S_{\Delta OAM}} = {S_{\Delta OAN}}\)

Ta có: S1 = diện tích quạt tròn AOB – diện tích \(\Delta OAB\)

Hay \({S_1} = \frac{{\pi {{\left( {2R} \right)}^2}n}}{{360}} - \frac{{OM.AB}}{2}\)\( = \frac{{\pi 4{R^2}.120}}{{360}} - \frac{{R.2R\sqrt 3 }}{2}\)\( = {R^2}\left( {\frac{{4\pi }}{3} - \sqrt 3 } \right)\)

S2 = diện tích \(\Delta OAM\) + diện tích tam giác \(\Delta OAN\) - diện tích quạt tròn OMN

Hay S2 = 2. diện tích \(\Delta OAM\) - diện tích quạt tròn OMN

Do đó \({S_2} = 2.\frac{{AM.OM}}{2} - \frac{{\pi {R^2}.n}}{{360}}\)\( = 2.\frac{{R\sqrt 3 .R}}{2} - \frac{{\pi {R^2}.120^\circ }}{{360}}\)\( = {R^2}\left( {\sqrt 3  - \frac{\pi }{3}} \right)\)

S3 = diện tích hình tròn (O;R) \( = \pi {R^2}\)

Ta có \({S_1} + {S_2} = {R^2}\left( {\frac{{4\pi }}{3} - \sqrt 3 } \right) + {R^2}\left( {\sqrt 3  - \frac{\pi }{3}} \right) = \pi {R^2} = {S_3}\) (đpcm)

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"