Giải bài tập Chuyện người con gái Nam Xương trang 5 vở thực hành ngữ văn 9

2024-09-14 18:58:23

Câu 1

Trả lời Câu 1 trang 5 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

Cốt truyện của tác phẩm:...

Các phần của tác phẩm và nội dung chính của từng phần:...

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, tóm tắt, chia bố cục

Lời giải chi tiết:

Cốt truyện của tác phẩm:

Câu chuyện “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ viết về Vũ Nương. Nàng là một người con gái xinh đẹp, nết na, tuy con kẻ khó nhưng được gả cho nhà khá giả, chồng là Trương Sinh. Nàng vốn tính đẹp người đẹp nết, chồng đi lính xa nhà vẫn một lòng thủy chung, chăm sóc mẹ già con thơ chu toàn. Vậy mà, chồng nàng vì một lời nói vô tình của con trẻ mà nghi cho nàng tội danh thất tiết, dù có biện bạch như thế nào, chồng nàng cũng không tin. Để đến cuối cùng, nàng buộc lòng phải lấy cái chết để chứng minh lòng trong sạch của mình. Nhưng may thay, nàng được đức Linh Phi chốn thủy cung cứu vớt. Sau này, khi người chồng đã hiểu rõ nỗi oan của nàng, nàng đã nhờ chàng lập đàn giải oan trên bến sông. Nàng trở về trong hoa đèn, võng lọng, nói lời từ biệt chồng rồi biến mất. Câu chuyện mang đầy sự kì ảo, huyền bí nhưng cũng đầy tính nhân văn, chân thật của cuộc đời.

Các phần của tác phẩm và nội dung chính của từng phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ của mình”. Cuộc sống của Vũ Nương khi được gả về nhà Trương Sinh.

- Phần 2: Tiếp theo đến “nhưng việc trót đã qua rồi”. Sự hiểu lầm của Trương Sinh dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương.

- Phần 3. Còn lại. Vũ Nương được giải oan.


Câu 2

Trả lời Câu 2 trang 5 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

văn bản:

- Nhân vật Vũ Nương:...

- Nhân vật Trương Sinh:...

Vai trò của lời người kể chuyện trong việc khắc họa nhân vật:...

Phương pháp giải:

Đọc kĩ phần đầu của văn bản

Lời giải chi tiết:

Những đặc điểm nổi bật của nhân vật Vũ Nương và Trương sinh được tác giả đề cập trong phần đầu văn bản:

- Nhân vật Vũ Nương: là người nổi tiếng thùy mị, nết na, tư dung tốt đẹp, ban đầu khi lấy Trương Sinh nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà.

- Nhân vật Trương Sinh: là con nhà hào phú nhưng ít học, tính tình đa nghi.

- Vai trò của lời người kể chuyện trong khắc họa nhân vật: khắc họa rõ nét tình cách, đặc điểm của cả hai nhân vật, giúp người đọc có được những hình dung ban đầu về Vũ Nương và Trương Sinh dưới góc nhìn khách quan của người kể chuyện.


Câu 3

Trả lời Câu 3 trang 6 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

Nỗi đau đớn của Vũ Nương thể hiện qua lời than của nhân vật trước khi trẫm mình ở bến Hoàng Giang:...

Đặc điểm của ngôn ngữ nhân vật trong truyện truyền kì thể hiện qua lời than đó:...

Phương pháp giải:

Đọc và phân tích lời than của Vũ Nương trước khi trẫm mình ở bến Hoàng Giang.

Lời giải chi tiết:

Nỗi đau đớn của Vũ Nương thể hiện qua lời than của nhân vật trước khi trẫm mình ở bến Hoàng Giang:

 

“Thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói… Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”.

=> Vũ Nương phân trần để chồng hiểu rõ lòng mình. Nàng đã nói đến thân phận, tình nghĩa vợ chồng, khẳng định tấm lòng thuỷ chung, trinh bạch, xin chồng đừng nghi oan, tức là nàng đã nỗ lực hàn gắn, cứu vãn hạnh phúc gia đình.

“Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đầu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”.

=>  Vũ Nương đã nói lên nỗi đau đớn thất vọng khi bị chồng nghi oan, bị đối xử bất công. Đồng thời đó còn là sự tuyệt vọng đến cùng cực khi khao khát của cả đời nàng vun đắp đã tan vỡ. Tình yêu không còn. Cả nỗi đau khổ chờ chồng đến hoá đá như trước đây cũng không còn có thể làm được nữa.

Đặc điểm của ngôn ngữ nhân vật trong truyện truyền kỳ thể hiện qua lời than đó:

- Ngôn ngữ nhân vật thể hiện sự phát triển trong tâm lí nhân vật: khởi đầu, đỉnh điểm.

+ Khởi đầu: Khi bị Trương Sinh trách lầm, Vũ Nương rất cố gắng giải thích để Trương Sinh hiểu bản thân luôn giữ đúng khuôn phép, chăm lo gia đình đợi chồng về.

+ Đỉnh điểm: Khi Trương Sinh nhất quyết không nghe, buông lời quát mắng, không nghe lọt tai lời giải thích nào thì Vũ Nương đã mất hết niềm tin, sử dụng những câu nói thể hiện sự suy sụp, chán nản, tuyệt vọng (lên đỉnh điểm) dẫn đến sau đó là hành động nhảy sông.


Câu 4

Trả lời Câu 4 trang 6 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

Những nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương:

Nguyên nhân chủ yếu: 

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản, rút ra nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương

Lời giải chi tiết:

Những nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương:

- Nguyên nhân trực tiếp: sự đa nghi của Trương Sinh khiến nàng không có cơ hội giải thích, giải bày bản thân.

- Nguyên nhân sâu xa: xã hội phong kiến nam quyền bất công mà đại diện là Trương Sinh đã đẩy người phụ nữ vào bi kịch không lối thoát.

Nguyên nhân chủ yếu: xã hội phong kiến nam quyền bất công mà đại diện là Trương Sinh đã đẩy người phụ nữ vào bi kịch không lối thoát.


Câu 5

Trả lời Câu 5 trang 6 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

Những không gian, thời gian mà nhân vật Phan Lang được khắc họa:...

Vai trò của nhân vật Phan Lang trong tác phẩm:...

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn văn bản xuất hiện Phan Lang

Lời giải chi tiết:

Những không gian, thời gian mà nhân vật Phan Lang được khắc họa:

+ Thời gian: Quá khứ (khi trước); Hiện tại (khi được Linh Phi cứu).

+ Không gian: Ở làng Nam Xương, ở dưới thủy cung. 

Vai trò của nhân vật Phan Lang trong tác phẩm: Kết nối Vũ Nương với Trương Sinh, giúp khơi dậy trong lòng Vũ Nương mong muốn được giải oan, nói rõ ràng với người chồng Trương Sinh. 


Câu 6

Trả lời Câu 6 trang 7 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

Những chi tiết miêu tả hình ảnh Vũ Nương trở về trên bến Hoàng Giang khi Trường Sinh lập đàn giải oan:...

Tác dụng của đoạn kết có màu sắc kì ảo trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm:...

Phương pháp giải:

Đọc kĩ phần cuối của truyện, lưu ý những phần miểu tả Vũ Nương

Lời giải chi tiết:

Những chi tiết miêu tả hình ảnh Vũ Nương trở về trên bến Hoàng Giang khi Trương Sinh lập đàn giải oan:

* Hình ảnh Vũ Nương hiện về: 

“Vũ Nương ngồi trên chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện”.

Tác dụng của đoạn kết có màu sắc kì ảo trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm:

+ Làm hoàn chỉnh phẩm chất đẹp đẽ vốn có của Vũ Nương – một người ở thế giới khác vẫn khao khát phục hồi danh dự.

+ Tạo cái kết có hậu. 

+ Thể hiện ước mơ của nhân dân: người tốt được minh oan và đền trả xứng đáng.

+ Thể hiện niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến.


Câu 7

Trả lời Câu 7 trang 7 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

Chủ đề tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương:...

Suy nghĩ của em về chủ đề đó:...

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản để rút ra chủ đề và nêu suy nghĩ về chủ đề

Lời giải chi tiết:

Chủ đề tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương: Số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Suy nghĩ của em về chủ đề đó: Số phận của người phụ nữ xưa là một chủ đề được các tác giả quan tâm và phản ánh khá nhiều trong văn học trung đại từ cuối thế kỉ XVII, từ đó ta thêm cảm thông, xót thương cho những người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp nhưng số phận bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng và có thái độ phê phán xã hội phong kiến nam quyền chà đạp lên quyền sống của những người phụ nữ.


Câu 8

Trả lời Câu 8 trang 7 VTH Văn 9 Kết nối tri thức

Đoạn văn (khoảng 7-9 câu) trình bày suy nghĩ về chi tiết “cái bóng” trong truyện:

Phương pháp giải:

Đọc kĩ toàn văn bản để đưa ra suy nghĩ về chi tiết “cái bóng” (cái bóng khiến bé Đản lầm tưởng đó là cha).

Lời giải chi tiết:

“Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm viết về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến của tác giả Nguyễn Dữ. Trong truyện, chi tiết “cái bóng” là một chi tiết rất quan trọng. Chiếc bóng xuất hiện gián tiếp trong lời nói của bé Đản: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông biết nói, chứ không như cha tôi trước khi chỉ nín thin thít…”. Lần thứ hai khi Vũ Nương đã tự vẫn, “trong một đếm phòng không vắng vẻ” chỉ có hai cha con, bé Đản chỉ chiếc bóng trên tường và nói: “Cha Đản lại đến kìa!”. Lần thứ nhất, “cái bóng” trở thành đầu mối, điểm thắt nút của câu chuyện. Mọi nghi ngờ thực chất khởi sinh từ cái bóng. Còn lần thứ hai, “cái bóng” mở mắt cho Trương Sinh về sự thật tội ác do chính chàng gây ra. Cũng chính cái bóng cởi nút, giải tỏa mọi khó khăn, thắc mắc cho Trương Sinh. Mặt khác, chiếc bóng tô đậm thêm nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Vũ Nương chỉ bóng mình trên tường bảo đó là cha Đản để dỗ con và làm nguôi ngoai nỗi nhớ – cả nỗi con nhớ cha, cả nỗi vợ nhớ chồng. Như thế, cái bóng trở thành biểu tượng của tình chồng vợ gắn bó tuy hai mà một. Không chỉ vậy, chiếc bóng là một ẩn dụ cho số phận mong manh của người phụ nữ trong chế độ nam quyền. Chỉ là chiếc bóng vô hình nhưng cũng có thể dẫn tới một bi kịch. Chi tiết cái bóng còn là bài học cho những người đàn ông có tính ghen tuông bóng gió, mùa quáng. Chính vì vậy, chi tiết cái bóng là chi tiết nghệ thuật đắt giá, góp phần tạo kịch tính và thúc đẩy sự phát triển của câu chuyện. Cái bóng tạo ra sự bất ngờ, tính hấp dẫn của tình huống, sự chặt chẽ cho cốt truyện, tạo sự thắt nút, mở nút rất hợp lí. Cái bóng cũng chính là thông điệp muôn đời cho mọi người: đã yêu thương nhau phải tin tưởng, đừng để cái bóng rình rập, giết chết tình yêu, hạnh phúc gia đình.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"