Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội năm 2016

2024-09-14 18:59:02

Đề bài

Phần I. ( 4 điểm)

Trong bài Phong cách Hồ Chí Minh sau khi nhắc lại việc chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, tác giả Lê Anh Trà viết:

… “Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại”

(Trích ngữ văn 9, tập một NXB Giáo dục Việt Nam 2015)

Câu 1: Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người?

Câu 2: Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy.

Câu 3: Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập phát triển.

Phần II. ( 6 điểm)

Ở bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt), trong dòng hồi tưởng, người cháu nhớ lại:

   … “Năm ấy là năm đói mòn mỏi”…

rồi trở về thực tại:

   “Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu

   Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả

   Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:

   – Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?…”

   (Trích ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Câu 1: Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Câu 2: “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước? Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì?

Câu 3: Viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên trong đó có sử dụng phép nối để liên kết và một câu bị động (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu bị động)

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1

Ở phần trích trên, tác giả đã cho thấy vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi những yếu tố nào? Em hiểu được điều gì về tình cảm của tác giả dành cho Người?

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích

Lời giải chi tiết:

- Vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi yếu tố truyền thống văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, giữa giản dị và thanh cao.

- Tình cảm của tác giả dành cho Người: trân trọng, kính yêu, ngưỡng mộ, tự hào.

Câu 2

Xác định hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn và cho biết hiệu quả nghệ thuật của cách dùng từ ấy

Phương pháp:

Đọc kĩ đoạn trích, xác định các danh từ

Lời giải chi tiết:

- Hai danh từ được sử dụng như tính từ trong phần trích dẫn là: “Việt Nam”, “phương Đông” (dấu hiệu nhận biết: đứng sau từ “rất”)

- Tác dụng: khẳng định và nhấn mạnh vẻ đẹp của phong cách Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa phương Đông. 

Câu 3

Em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng 2/3 trang giấy thi) về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập phát triển.

Phương pháp:

- Có thể viết dưới hình thức một đoạn văn hoặc một bài văn, dung lượng khoảng 2/3 trang giấy thi.

- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, có sự liên kết chặt chẽ giữa các câu/ đoạn; không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu,…

Lời giải chi tiết:

- Giải thích: Bản sắc văn hóa dân tộc là  giá trị gốc, căn bản cốt lõi, những giá trị hạt nhân tiêu biểu, bản chất  nhất ,được hình thành và phát triển suốt quá trình phát triển đất nước, là nền tảng mang tính trường tổn, bền vững, mang tính dân tộc sâu sắc. Nó được biểu hiện ở nhiều phương diện : cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, ở hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử… Ví dụ: Người Việt Nam có tính giản dị, cần cù, chăm chỉ, tinh thần đoàn kết, nhân ái, tinh thần yêu nước sâu sắc,...

- Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội,… Giao thoa về văn hóa bên cạnh thuận lợi là làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân ta, nó cũng đặt ra nhiều thách thức. Một bộ phận giới trẻ hiện nay có những biểu hiện của việc quay lưng lại với bản sắc văn hoá dân tộc, thể hiện ở cả hình thức bề ngoài (ăn mặc hở hang, nhố nhăng… ) và cả trong quan niệm, cách nghĩ, lối sống (a dua theo lối sống đồi trụy, chỉ biết hưởng lạc, quay lưng với lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc, coi đó là lạc hâu…). Những biểu hiện đó cần phải lên án, đấu tranh loại bỏ.

- Giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, những con người năng động, tự tin, có tri thức cần phải  tự nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh việc học tập những thành tựu, tiến bộ khoa học kĩ thuật để nâng cao trình độ kinh tế cho đất nước thì phải cẩn trọng, tỉnh táo, linh hoạt trong tiếp thu. Tiếp thu phải chọn lọc, hòa nhập mà không hòa tan. Tránh chạy theo thứ văn hóa xa xỉ, không phù hợp đánh mất bản sắc dân tộc.

Liên hệ bản thân em: Với tư cách là một học sinh em sẽ làm gì để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?

Phần II

Câu 1

Nêu hoàn cảnh ra đời của bài thơ.

Phương pháp:

Ôn lại kiến thức, xuất xứ bài thơ

Lời giải chi tiết:

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Bếp lửa”: Bài thơ được sáng tác năm 1963, khi Bằng Việt đang là sinh viên ngành Luật ở nước ngoài. Tác phẩm được đưa vào tập “Hương cây -  Bếp lửa” (1968), tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ.

Câu 2

“Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” được nhắc tới trong bài thơ gợi nhớ về thời điểm nào của đất nước? Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng gì?

Phương pháp:

Liên hệ kiến thức lịch sử

Lời giải chi tiết:

- “Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi” gợi nhớ về thời điểm lịch sử là nạn đói cuối năm 1944, đầu năm 1945  làm hai triệu đồng bào ta chết đói.

- Việc nhà thơ tách từ “mòn mỏi” để ghép thành “đói mòn đói mỏi” có tác dụng nghệ thuật đặc sắc:

+ Nhấn mạnh cái đói, sự nghèo khổ trong cuộc sống của hai bà cháu trong những năm tháng tuổi thơ.

+ Nhắc lại sự kiện lịch sử của đất nước nhưng còn thể hiện thái độ, tình cảm của tác giả, bên cạnh tự sự còn kết hợp biểu cảm.

+ Sử dụng hình ảnh, từ ngữ chân thực, giản dị. “Đói mòn đói mỏi” làm cho giọng thơ như chùng xuống, nao nao. Những kỉ niệm gợi lại trong trí nhớ mà vẫn khiến tâm hồn nhà thơ rưng rưng.

Câu 3

Viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà ở khổ thơ trên trong đó có sử dụng phép nối để liên kết và một câu bị động (gạch dưới từ ngữ dùng làm phép nối và câu bị động)

Phương pháp:

- Viết đúng hình thức một đoạn văn, khoảng 12 câu, câu chủ đề ở đầu đoạn văn.

- Diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, có cảm xúc, có sử dụng phép nối và có câu bị động. Sau khi viết, cần gạch chân dưới từ ngữ dùng để nối và gạch dưới câu bị động đó.

Lời giải chi tiết:

- Câu chủ đề: Đoạn thơ thể hiện một cách giản dị mà cảm động nỗi nhớ, lòng kính yêu, trân trọng, biết ơn bà của người cháu ở phương xa; mở rộng ra là tình yêu quê hương, đất nước.

- Các câu sau cần triển khai, làm rõ ý trên như sau:

+ Biện pháp liệt kê “Có ngọn khói trăm tàu” “Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả” đã cho thấy hoàn cảnh của người cháu ở phương xa: cháu đã khôn lớn, trưởng thành, được bay cao, bay xa và được sống với bao niềm vui rộng lớn.

+ Từ “nhưng” ở đầu câu thơ mở ra những xúc cảm chân thành, sâu sắc gắn liền với hình ảnh của bà và bếp lửa.  Cùng với đó là câu hỏi tu từ vẫn đau đáu, thường trực trong tâm trí cháu mỗi sớm mai, cho thấy người cháu ở nơi xa vẫn không bao giờ quên đời bà lận đận, không quên sự tận tụy, hi sinh và tấm lòng ấm áp của bà. Nhờ bà và ngọn lửa bà “nhóm” mỗi sớm mai ấy mà cháu khôn lớn nên người. Dấu ba chấm ở cuối bài thơ như một dấu lặng, thay cho những nỗi niềm nhớ thương vô tận trong lòng người cháu hôm nay.
Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"