Đề thi vào 10 môn Văn Đồng Nai năm 2019

2024-09-14 18:59:06

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa. Có những bông hoa lớn và cũng có những bông hoa nhỏ, có những bông nở sớm và những bông nở muộn, có những đóa hoa rực rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đóa hoa đơn sắc kết thúc “đời hoa” bên vệ đường.

Sứ mệnh của hoa là nở. Cho dù không có những ưu thế để như nhiều loài hoa khác, cho dù được đặt ở bất cứ đâu, thì cũng hãy bừng nở rực rỡ, bung ra những nét đẹp mà chỉ riêng ta mới có thể mang đến cho đời.

[...]

Hãy bung nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu.

(Kazuko Watanabe, Mình là nắng việc của mình là chói chang,
Vũ Thùy Linh dịch, NXB Thế giới, 2018) 

Câu 1 (0.5 điểm).

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. 

Câu 2 (1.0 điểm).

Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong câu văn: Có những bông hoa lớn và cũng có những bông hoa nhỏ, có những bông nở sớm và những bông nở muộn, có những đóa hoa rực rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đóa hoa đơn sắc kết thúc "đời hoa” bên vệ đường. 

Câu 3 (0.5 điểm).

Nêu hàm ý của câu: Hãy bung nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu.

Câu 4 (1.0 điểm).

Em có đồng tình với suy nghĩ của tác giả: “Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa.” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) với chủ đề: Tôi là một đóa hoa. 

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của các cô gái thanh niên xung phong qua hai đoạn trích sau:

Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên, tôi không vào viện quân y. Việc nào cũng có cái thú của nó. Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ... Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang.

Và:

Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Thích "Ca-chiu-sa" của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh...". [...] Chị Thao hát: "Đây Thăng Long, đây Đông Đô... Hà Nội ...". Nhạc sai bét, còn giọng thì chua, chị không hát trôi chảy được bài nào. Nhưng chị lại có ba quyền số dày, chép bài hát. Rỗi là ngồi chép bài hát. Thậm chí, say mê chép cả những lời tôi tự bịa ra nữa.

(Trích Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê, SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1

Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. 

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2

Chỉ ra và nêu tác dụng của một phép tu từ được sử dụng trong câu văn: Có những bông hoa lớn và cũng có những bông hoa nhỏ, có những bông nở sớm và những bông nở muộn, có những đóa hoa rực rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đóa hoa đơn sắc kết thúc "đời hoa” bên vệ đường

Phương pháp: căn cứ bài Điệp từ, phân tích

Cách giải:

Điệp từ “có những”: liệt kê những cuộc đời khác nhau của hoa, nhấn mạnh bông hoa cũng có những cuộc đời riêng.

Câu 3

Nêu hàm ý của câu: Hãy bung nở đóa hoa của riêng mình dù có được gieo mầm ở bất cứ đâu.

Phương pháp: căn cứ bài Nghĩa tường minh và hàm ý

Cách giải:

Hàm ý của câu: Dù sinh ra trong hoàn cảnh nào cũng hay sống hết lòng, nhiệt huyết và cháy bỏng

Câu 4

Em có đồng tình với suy nghĩ của tác giả: “Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa.” không? Vì sao?

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Đồng tình. Vì:

+ Mỗi con người là món quà tuyệt vời được trao tặng thế giới

+ Mỗi người có những phẩm chất và năng lực riêng làm đẹp cho cuộc đời

+…

Phần II

Câu 1

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) với chủ đề: Tôi là một đóa hoa. 

Phương pháp

Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1.Giới thiệu vấn đề

2.Giải thích vấn đề

- Đóa hoa: hình ảnh ẩn dụ cho con người có năng lực, có phẩm chất cống hiến cho cuộc đời.

=>Tôi là một đóa hoa: mỗi người là một đóa hoa đẹp, con người cần ý thức điều đó để cống hiến, đóng góp cho cuộc đời.

3.Bàn luận vấn đề

- Tại sao nói “Tôi là một đóa hoa”?

+ Mỗi  người là một cá thể có cá tính riêng và năng lực riêng để đóng góp và xây dựng cuộc sống

+ Việc tự ý thức mình là một đóa hoa giúp con người sống có ý nghĩa hơn và có trách nhiệm với cuộc đời hơn

+ Khi mình trở thành một người có ích, biết cống hiến cho cuộc đời, mình cũng sẽ nhận lại được những điều đẹp đẽ

+…

- Phê phán những người chưa ý thức được giá trị bản thân, thiếu tự tin,…

4. Liên hệ bản thân

Câu 2

Cảm nhận của em về vẻ đẹp của các cô gái thanh niên xung phong qua hai đoạn trích sau:

Còn chúng tôi thì chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom. Tôi bây giờ còn một vết thương chưa lành miệng ở đùi. Tất nhiên, tôi không vào viện quân y. Việc nào cũng có cái thú của nó. Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ... Rồi khi xong việc, quay lại nhìn cảnh đoạn đường một lần nữa, thở phào, chạy về hang.

Và:

Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Thích "Ca-chiu-sa" của Hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: "Về đây khi mái tóc còn xanh xanh...". [...] Chị Thao hát: "Đây Thăng Long, đây Đông Đô... Hà Nội ...". Nhạc sai bét, còn giọng thì chua, chị không hát trôi chảy được bài nào. Nhưng chị lại có ba quyền số dày, chép bài hát. Rỗi là ngồi chép bài hát. Thậm chí, say mê chép cả những lời tôi tự bịa ra nữa.

(Trích Những ngôi sao xa xôi – Lê Minh Khuê, SGK Ngữ văn 9, tập 2)

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

Tác giả:

- Thuộc thế hệ nhà văn trưởng trong kháng chiến chống Mĩ. Bà gia nhập thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.

- Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:

+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác của bà tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.    

Tác phẩm và đoạn trích

- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

- Hai đoạn trích kể về vẻ đẹp anh hùng dũng cảm và vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của những cô gái thanh niên xung phong.

2. Phân tích

- Nho, Thao, Phương Định là những cô gái rất trẻ, họ sống chiến đấu trên “một cái hang lớn dưới chân cao điểm” giữa vùng trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn – nơi tập trung nhiều nhất bom đạn của kẻ thù.

- Nơi họ sống chỉ có tàn tích của chiến tranh: đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn,  hai bên đường không có lá xanh, chỉ có những thân cây bị tước khô cháy, những cây lớn nằm lăn lóc, những tảng đá to, những thùng xăng hoặc những thành ô tô méo mó, han rỉ nằm trong đất.

=> Tưởng chừng như mọi thứ bị hủy diệt, không có dấu hiệu của sự sống. Hoàn cảnh sống ấy đã cho ta thấy cái khốc liệt của chiến tranh, sự khó khăn gian khổ mà con người phải trải qua.

- Công việc của họ đặc biệt nguy hiểm:

+ Quan sát địch ném bom, sau mỗi lần đó họ lại lao ra trọng điểm đo khối lượng đất đá bị đào xới, đếm những quả bom chưa nổ và phá bom.

+ Phải thường xuyên đối mặt với cái chết.

2.1 Đoạn 1: Vẻ đẹp phẩm chất: dũng cảm, kiên cường của những cô gái thanh niên xung phong

- Đoạn văn nói lên công việc vô cùng nguy hiểm của những cô gái thanh niên xung phong.

- Hoàn cảnh:

+ Chạy trên cao điểm ban ngày => địa điểm vô cùng nguy hiểm, có thể bị bom đánh bất cứ lúc nào.

+ Không khí đậm mùi chết chóc: đất bóc khói, không khí bang hoàng, máy bay ầm ì xa dần.

+ Bom nằm lẩn khuất, nó là tay thần chết không thích đùa, có thể cướp đi tính mạng của các cô gái bất cứ lúc nào.

=> Hoàn cảnh có nhiều nguy hiểm, khó khăn.

- Các cô gái:

+ Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu.

+ Khi xong việc mới dám thở phào, nhẹ nhõm.

+ Họ thường xuyên phải đối mặt với cái chết: “Thần chết là tay không thích đùa. Hắn lẩn trốn trong ruột những quả bom”. Họ bị bom vùi là chuyện bình thường. Công việc thường ngày ấy khiến thần kinh họ luôn căng thẳng, đòi hỏi phải có sự bình tĩnh, dũng cảm.

- Nghệ thuật:

+ Giọng điệu trần thuật bình thản cho thấy tinh thần anh dũng, quả cảm ở những người con gái này.  

+ Sử dụng hình ảnh đặc sắc, giàu giá trị tạo hình.

2.2 Đoạn 2: Vẻ đẹp tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, yêu đời

- Họ là ba cô gái trẻ có nội tâm phong phú. Ở họ có những nét chung của cô gái hay mơ mộng, hồn nhiên.

- Cuộc sống bom đạn gần kề, cái chết rình rập nhưng ba cô gái vẫn mang trong mình tâm hồn trẻ trung, yêu đời. Vẫn ngày ngày ca hát:

+ Phương Định thích nhiều bài, nhưng cô thích nhất là bài hành khúc bộ đội, hát dân ca quan họ,… Không chỉ vậy cô còn thích ngồi bó gối mơ màng.

+ Chị Thao dù hát sai bét nhạc, không trôi chảy bài nào nhưng chị vẫn hát, vẫn lạc quan, yêu đời. Đặc biệt dù hát không hay nhưng chị có tận ba quyển sổ dày chép bài hát. Thậm chí cả lời hát Phương Định bịa ra cũng cũng cố công chép vào.

- Nghệ thuật: giọng văn bông đùa, hỏm hính góp phần thể hiện tâm hồn trong sáng, yêu đời.

=> Cuộc sống ở chiến trường rất khó khăn nhưng họ vẫn luôn bình tĩnh, lạc quan, yêu đời. Trong hang vẫn vang lên tiếng hát của ba cô gái và những dự định về tương lai. Chiến tranh bom đạn không thể phá đi được những giây phút mơ mộng ấy.

Nhận xét: Hai đoạn văn đã làm sáng lên hai vẻ đẹp tâm hồn của những người con gái thanh niên xung phong: vừa kiên cường, dũng cảm vừa mơ mộng, hồn nhiên, yêu đời. Trong cái khói bom, lửa đạn của chiến tranh chính sự yêu đời, hồn nhiên đó đã giúp các cô vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

3. Tông kết

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"