Đề thi vào 10 môn Văn Bình Định năm 2020

2024-09-14 18:59:17

Đề bài

Phần I. (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Trong cuộc đời đầy truân chuyên của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với văn hóa nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mĩ. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề. Có thể nói ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu nhiều về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hóa thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm. Người cũng chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hóa, đã tiếp thu mọi cái đẹp và cái hay đồng thời với việc phê phán những tiêu cực của chủ nghĩa tư bản. Nhưng điều kì lạ là tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống rất bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng đồng thời rất mới, rất hiện đại.”

Câu 1: Đoạn trích trên nằm trong văn bản nào, của tác giá nào?

Câu 2: Ở phần trích trên, tác giả cho biết vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong các cầu văn: “Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mi. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga, và Người đã làm nhiều nghề”.

Câu 4: Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về việc học tập và làm theo Bác qua đoạn trích trên (khoảng 10-15 dòng)

Phần II. (6.0 điểm)

Cảm nhận về vẻ đẹp người lính lái xe qua ba khổ thơ cuối bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Từ đó liên hệ với lí tưởng sống của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.

.. Những chiếc xe từ trong bom rơi

 Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua của kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1

Đoạn trích trên nằm trong văn bản nào, của tác giá nào?

Phương pháp: Căn cứ bài Phong cách Hồ Chí Minh

Cách giải:

Đoạn trích trên nằm trong văn bản: “Phong cách Hồ Chí Minh” của tác giả Lê Anh Trà.

Câu 2

Ở phần trích trên, tác giả cho biết vốn tri thức văn hóa nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu rộng như thế nào?

Phương pháp: Căn cứ nội dung đoạn trích

Cách giải

Vốn tri thức nhân loại của Hồ Chí Minh sâu rộng:

Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề.

Học hỏi, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật đến một mức khá uyên thâm.

Câu 3

Chỉ ra và nêu tác dụng 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong các cầu văn: “Trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu Á, châu Mi. Người đã từng sống dài ngày ở Pháp, ở Anh. Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga, và Người đã làm nhiều nghề”.

Phương pháp: Căn cứ các biện pháp tu từ

Cách giải:

Biện pháp tu từ:

- Liệt kê: châu Phi, châu Á, châu Mĩ, …; Pháp, Anh, Hoa, Nga, …

- Điệp: Người….

Tác dụng:

- Nhấn mạnh cho người đọc thấy Bác đã đi đến khắp nơi năm châu bốn bể, đã tìm hiểu mọi nền văn hóa trên thế giới, tiếp thu và chắt lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, mặt khác còn cho người đọc thấy đượcđược vốn hiểu biết văn hóa sâu rộng của Bác.

- Tạo nhịp điệu nhịp nhàng cho câu văn.

Câu 4

Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về việc học tập và làm theo Bác qua đoạn trích trên (khoảng 10-15 dòng)

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

* Giới thiệu vấn đề

Qua đoạn trích trên, chúng ta học được rất nhiều điều ở Bác – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, đó là: sự chăm chỉ, chịu khó, tinh thần vượt khó vượt khổ, quyết tâm vượt lên trên tất cả mọi thử thách để đạt được mục đích sống và lí tưởng của mình. Đặc biệt, đặt vào trong bối cảnh đất nước hiện nay, với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, đoạn trích lại có giá trị hơn bao giờ hết.

* Bàn luận.

- Mỗi chúng ta, cần phải

+ Biết phấn đấu và nỗ lực không ngừng để ngày càng hoàn thiện bản thân, trởi thành người công dân sống có ích và cống hiến cho xã hội, cho đât nước.

+ Không ngừng học tập để trau dồi kiến thức và kĩ năng cho chính mình.

- Trong tình hình hiện nay để phong trào muốn "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh" của sinh viên và học sinh có hiệu quả đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều nhân tố: sự giáo dục và việc tự tu dưỡng, rèn luyện của sinh viên; sự nêu gương của mọi người trong xã hội, của bố mẹ trong gia đình, của cán bộ, đảng viên, của các thầy, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục và sự hướng dẫn của dư luận xã hội và pháp luật.

- Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ hiện nay đi ngược lại với việc học tập và làm theo Bác: ham ăn chơi, hưởng thụ, đua đòi, sống không có mục đích, lí tưởng.

* Liên hệ bản thân và Tổng kết

Phần II

Cảm nhận về vẻ đẹp người lính lái xe qua ba khổ thơ cuối bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Từ đó liên hệ với lí tưởng sống của tuổi trẻ trong thời đại ngày nay.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

2. Phân tích

 Khổ thơ 5+6 - tình đồng chí, đồng đội của những người lính trẻ:

- Sự khốc liệt của chiến tranh đã tạo nên những “Tiểu đội xe không kính”. Con đường giải phóng miền Nam là con đường đi tới chính nghĩa nên họ càng đi, càng có thêm nhiều bạn “Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới”

- Lúc này, những chính chiếc xe không kính lại thật thuận tiện để họ trao nhau tình thân: “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” => Đó là cái bắt tay động viên, cái bắt tay truyền cho nhau cả tâm hồn, tình cảm. Cái bắt tay thoải mái, tự nhiên, ấm lòng.

- Tình cảm ấy thắm thiết, ruột thịt như anh em trong một gia đình.

“Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”

Một cách định nghĩa về gia đình rất mới, rất rộng, rất lính, thật tếu táo mà cũng đầy sâu sắc: chung bát, chung đũa, chung nắm cơm, bếp lửa, chung hoàn cảnh khó khăn, chung một con đường, chung một lí tưởng, chung sự sống và cái chết. Đó là gia đình.

- Hai câu thơ cuối, với sự đối lập về ý thơ đã khẳng định sức mạnh tinh thần của người lính

“Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm”

+ Bữa ăn vội vã, giấc ngủ tạm bợ bên đường, đời lính thật gian khổ, đầy chông chênh, nguy hiểm.

+ Tuy nhiên điệp từ “lại đi” và hình ảnh ẩn dụ “trời xanh” đã khẳng định ý chí chiến đấu, nghị lực vững vàng, niềm tin và tinh thần phơi phới lạc quan của người lính. Sức mạnh tinh thần đó là sự tổng hợp của phẩm chất anh hùng cách mạng, tinh thần lạc quan và tình đồng đội tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua mọi gian lao, để rồi “lại đi, lại đi trời xanh thêm”, đoàn xe không ngừng vươn tới trên con đường giải phóng miền Nam.

Ý chí chiến đấu vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

“Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

- Với biện pháp liệt kê, điệp ngữ “không có” nhấn mạnh sự trần trụi, biến dạng của những chiếc xe. Càng vào sâu trong chiến trường, chiếc xe càng trở nên méo mó, biến dạng. Một lần nữa, thông qua hình ảnh những chiếc xe, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã gián tiếp miêu tả sự ác liệt của chiến trường.

- Điều kì lạ là những chiếc xe không kính, không đèn, không mui ấy vẫn băng băng ra chiến trường. Ở đây có sự đối lập giữa vẻ bên ngoài và khả năng của chiếc xe, giữa điều kiện vật chất và sức mạnh tinh thần của người lính lái xe. Để cân bằng ba cái không có ở trên chỉ cần một cái có đó trái tim người lính. đến đây, ta càng thấy được sự ngang tàng, hóm hỉnh nhưng cũng thật sâu sắc trong thơ Phạm Tiến Duật, những chiếc xe dường như không chỉ chạy bằng nhiên liệu mà thật độc đáo khi có một trái tim cầm lái, Trái tim là 1 hình ảnh hoán dụ nhưng đồng thời cũng là hình ản ẩn dụ, nó hội tụ vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ lái xe giàu nhiệt huyết, sắt son tình yêu tổ quốc, sục sôi căm thù giặc và ý chí quyết tâm chiến đáu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

=> Hình ảnh trái tim kết thúc bài thơ đã trở thành nhãn tự của cả bài, tỏa sáng vẻ đẹp của người lính lái xe Trường Sơn nói riêng và của cả thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ cứu nước:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

Liên hệ:

- Phải sống có mục đích, lí tưởng rõ ràng, cao đẹp. Đó là lí tưởng phục vụ cho đất nước, dân tộc.

- Cần nỗ lực, quyết tâm để thực hiện lí tưởng của bản thân.

3. Tổng kết

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"