Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Đọc phần trích sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:
Bất kì ai trong chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức, trở ngại và thất bại. Bởi không có con đường nào là bằng phẳng, dễ đi, nếu muốn thành công thì trước hết phải học cách chấp nhận, đối mặt vượt qua thất bại của chính mình. Có thể nói, thất bại đáng sợ nhất của cuộc đời chính là không chiến thắng bản thân, không nỗ lực theo đuổi mục tiêu, lí tưởng mà mình đã chọn.
Quả thực như vậy, việc kiên trì nỗ lực để cố gắng theo đuổi mục tiêu, lí tưởng là rất quan trọng. Cuộc sống thăng trầm như bản hòa ca, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng và êm đềm thành công. Thất bại là điều khó tránh nhưng đó chính là người thầy đầu tiên của chúng ta trên đường đời. Đôi lúc, ta tự trách vì những quyết định sai lầm của mình. Nhưng đó là lúc ta cần nhận thức và rút ra bài học, biến thất bại thành đòn bẩy để hướng đến thành công, không suy sụp hay bỏ cuộc.
(Theo Trần Thị Cẩm Quyên, in trong Văn học và tuổi trẻ, Viện nghiên cứu sách và học liệu giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 11- 2021)
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2. (0,5 điểm) Theo đoạn trích, thất bại đáng sợ nhất của cuộc đời là gì?
Câu 3. (1,0 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn “Cuộc sống thăng trầm như bản hòa ca, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng và êm đềm thành công”.
Câu 4. (1,0 điểm) Thông điệp cuộc sống nào từ đoạn trích có ý nghĩa đối với em? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1. Hãy viết đoạn văn (khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự tự tin trong cuộc sống.
Câu 2. Phân tích hai khổ thơ sau:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão tập mưa sa đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lặng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân...
(Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập 2, tr.58 - 59, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010).
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1:
Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. |
Phương pháp: Căn cứ bài các phương thức biểu đạt đã học.
Cách giải:
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.
Câu 2:
Theo đoạn trích, thất bại đáng sợ nhất của cuộc đời là gì? |
Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.
Cách giải:
Theo đoạn trích, thất bại đáng sợ nhất của cuộc đời chính là không chiến thắng bản thân, không nỗ lực theo đuổi mục tiêu, lí tưởng mà mình đã chọn.
Câu 3:
Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong câu văn “Cuộc sống thăng trầm như bản hòa ca, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng và êm đềm thành công”. |
Phương pháp: Căn cứ bài so sánh, phân tích.
Cách giải:
Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:
- Biện pháp so sánh giúp tăng khả năng biểu đạt của đoạn trích.
- Biện pháp góp phần tái hiện bản chất của cuộc sống, giúp tác giả dễ dàng lý giải về tính chất của cuộc sống.
Câu 4:
Thông điệp cuộc sống nào từ đoạn trích có ý nghĩa đối với em? Vì sao? |
Phương pháp: Phân tích.
Cách giải:
Học sinh tự đưa ra thông điệp có ý nghĩa nhất, có lý giải.
Gợi ý: Thông điệp có ý nghĩa về cuộc sống – Trong cuộc sống ta luôn phải đối diện với những sai lầm thất bại, điều quan trọng là chúng ta phải biết biến thất bại thành đòn bẩy để hướng tới thành công.
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Hãy viết đoạn văn (khoảng 100 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của sự tự tin trong cuộc sống. |
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
* Yêu cầu hình thức: Viết đúng một đoạn văn khoảng 100 chữ.
* Yêu cầu về nội dung:
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của sự tự tin trong cuộc sống.
- Sự tự tin trong cuộc sống: Là việc con người hiểu bản thân và luôn tin vào chính mình.
- Ý nghĩa của sự tự tin trong cuộc sống:
+ Sự tự tin giúp bản thân ta thêm vững tin vào cuộc sống, thêm yêu đời hơn.
+ Sự tự tin giúp ta vượt qua nỗi sợ hãi, bi quan, chán nản.
+ Tự tin giúp ta có những lợi thế trong giao tiếp. Từ đó xây dựng, tạo mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội.
+ Sự tự tin về năng lực giúp ta theo đuổi mục tiêu một cách kiên trì không ngại khó.
+ Sự tự tin là yếu tố hàng đầu dẫn tới thành công.
………
- Liên hệ bản thân, mở rộng.
+ Sự tự tin không đồng nghĩa với tự cao, tự phụ. Sự tự tin luôn đi kèm với sự cầu tiến, ham học hỏi như vậy con người mới trở nên hoàn thiện.
+ Cần cố gắng rèn luyện sự tự tin trong chính bản thân mình.
Câu 2:
Phân tích hai khổ thơ sau: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão tập mưa sa đứng thẳng hàng. Ngày ngày mặt trời đi qua trên lặng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ. Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân... (Trích Viếng lăng Bác, Viễn Phương, Ngữ văn 9, tập 2, tr.58 - 59, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010). |
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Viếng lăng Bác.
- Giới thiệu khái quát nội dung đoạn trích: Cảm xúc của nhà thơ về cảnh vật cũng như suy ngẫm của ông khi đến thăm lăng Bác.
2. Thân bài:
a. Cảm xúc của nhà thơ khi đến thăm lăng Bác (khổ thơ đầu tiên):
- Bồi hồi, xúc động “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
+ Cặp đại từ xưng hô “con – Bác” là cách xưng hô gần gũi, thân thiết của người miền Nam, vừa thể hiện sự tôn kính với Bác vừa bộc lộ tình cảm yêu thương dành cho một người ruột thịt, một người bề trên trong gia đình. Đọc câu thơ tưởng như Viễn Phương là một người con xa xứ nay mới được trở về bên người cha của mình.
+ Cách nói giảm nói tránh “thăm” làm giảm bớt nỗi đau thương, mất mát, đồng thời khẳng định sự bất tử của Người trong lòng những người con nước Việt.
=> Câu thơ giản dị như một lời kể nhưng lại thấm đượm bao nỗi bồi hồi, xúc động của nhà thơ, sau bao mong nhớ, đợi chờ, nay mới được đến viếng lăng Bác.
- Ấn tượng đậm nét hiện lên trước mắt nhà thơ: “hàng tre bát ngát”:
+ Đây là hình ảnh thực làm nên quang cảnh đẹp cho lăng Bác, mang lại cảm giác thân thuộc, gần gũi của làng quê, đất nước Việt.
+ Đấy cũng là hình ảnh chưa nhiều sức gợi: “hàng tre xanh xanh” gợi vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam với sức sống tràn trề; “bão táp…thẳng hàng” là vẻ đẹp cứng cỏi, kiên cường, bền bỉ, hiên ngang, bất khuất của con người VN. Hình ảnh hàng tre bao quanh lăng là biểu tượng của cả dân tộc đang quây quần bên Người, thể hiện tình cảm của người dân miền Nam nói riêng, con người Việt Nam nói chung dành cho Bác.
=> Khổ 1 là niềm xúc động sâu sắc của nhà thơ khi đứng trước lăng Người.
b. Những cảm xúc, suy ngẫm của nhà thơ khi vào lăng viếng Bác (khổ 2):
- Là nỗi tiếc thương, lòng biết ơn sâu nặng dành cho công lao của Bác.
+ Sáng tạo hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ sóng đôi: mặt trời trên lăng – mặt trời tự nhiên, mặt trời trong lăng - ẩn dụ cho Bác. Bác đã mang lại ánh sáng chân lí, giúp dân tộc thoát khỏi kiếp sống nô lệ, khổ đau. Hình ảnh ẩn dụ đã vừa khẳng định, ngợi ca sự vĩ đại của Người vừa thể hiện tình cảm tôn kính, biết ơn của cả dân tộc đối với Người.
+ Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày” gợi dòng thời gian vô tận và sự sống vĩnh cửu; mang giá trị tạo hình, vẽ lên quang cảnh những đoàn người nối tiếp nhau không dứt, lặng lẽ và thành kính vào viếng Bác. Lối nói “đi trong thương nhớ” thể hiện nỗi tiếc thương, nhớ nhung lớn lao của bao thế hệ người dân Việt Nam trong giây phút vào lăng viếng Bác.
+ “Tràng hoa dâng 79 mùa xuân”: 79 năm cuộc đời Người đã hiến dâng trọn vẹn cho quê hương, đất nước. Nó được kết từ hàng ngàn, hàng vạn trái tim để bày tỏ niềm tiếc thương, kính yêu vị cha già dân tộc. Đó cũng là cách để nhà thơ khẳng định Bác sống mãi trong lòng dân tộc.
3. Kết bài:
- Nội dung:
+ Thể hiện tình cảm chân thành, tha thiết của cả dân tộc Việt Nam dành cho Bác.
+ Qua đó, khám phá, ngợi ca truyền thống ân nghĩa, thủy chung của dân tộc ta.
- Nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, giàu sức gợi.
+ Giọng điệu vừa chân thành, trang nghiêm, vừa sâu lắng vừa tha thiết, đau xót tự hào.
+ Hình ảnh thơ vừa mang nghĩa thực vừa giàu giá trị tượng trưng.