Đề thi vào 10 môn Văn Ninh Thuận năm 2022

2024-09-14 18:59:44

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU (3 điểm) Hãy đọc hai văn bản sau:

Văn bản 1 – Yêu nơi mình sống: Cây liễu

Nếu ta không quan tâm đến môi trường xung quanh thì rất khó để phát triển lớn mạnh. Liễu không cam chịu sống với một bờ sông bờ bãi hay nước sông bẩn thỉu – chúng giữ đất, đắp bờ bằng chính bộ rễ của mình và biến các chất ô nhiễm trong nước thành nguồn nitrat nuôi cây. Tự chăm sóc chính mình có thể bắt đầu từ những điều đơn giản như tấm ga trải giường mới, bữa trưa đặc biệt.

(Sống như những cái cây, NXB Kim Đồng)

Văn bản 2 – Sống trong từng khoảnh khắc: Hoa anh đào

Bất cứ ai từng có cơ hội tận mắt ngắm nhìn hoa anh đào đều sẽ choáng ngợp bởi vẻ đẹp của chúng. Ở Nhật bản, các gia đình và nhóm bạn bè thường tổ chức dã ngoại dưới các tán cây hoa anh đào đương đơm những chùm hoa trắng muốt xinh đẹp trong hai tuần ngắn ngủi chúng nở, những điều đẹp đẽ, như cuộc sống, đều sẽ trôi qua. Vậy nên, hãy biết ơn khi chúng đang xảy ra và tận hưởng từng khoảnh khắc.

(Sống như những cái cây, NXB Kim Đồng)

Trả lời các câu hỏi:

Câu 1. Tác giả đã đề cập loài thực vật nào trong văn bản 1 và 2.

Câu 2. Nêu tên biện pháp tu từ được sử dụng trong câu:  Liễu không cam chịu sống với một bờ sông bờ bãi hay nước sông bẩn thỉu – chúng giữ đất, đắp bờ bằng chính bộ rễ của mình và biến các chất ô nhiễm trong nước thành nguồn nitrat nuôi cây.

Câu 3. Hãy trình bày cách hiểu của em về cụm từ “Sống trong từng khoảnh khắc”.

Câu 4. Nêu một bài học tư tưởng mà em thích được rút ra từ một trong hai văn bản trên. Lí giải vì sao em thích?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc biết yêu nơi mình sống.

Câu 2. Có một thi sĩ yêu nơi mình sống và đã từng cảm nhận được khoảng khắc của cuộc sống nơi ấy khi thu sang như sau:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình

Hình như thu đã về.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sẩm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Sang thư — Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, tr.70)

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1:

Tác giả đã đề cập loài thực vật nào trong văn bản 1 và 2.

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.

Cách giải:

Các loài thực vật tác giả đã đề cập là:

Văn bản 1: Cây liễu.

Văn bản 2: Cây hoa anh đào.

Câu 2:

Nêu tên biện pháp tu từ được sử dụng trong câu:  Liễu không cam chịu sống với một bờ sông bờ bãi hay nước sông bẩn thỉu – chúng giữ đất, đắp bờ bằng chính bộ rễ của mình và biến các chất ô nhiễm trong nước thành nguồn nitrat nuôi cây.

Phương pháp: Căn cứ các biện pháp tu từ đã học.

Cách giải:

Biện pháp nhân hóa: cam chịu.

Câu 3:

Hãy trình bày cách hiểu của em về cụm từ “Sống trong từng khoảnh khắc”.

Phương pháp: Căn cứ bài đọc hiểu, phân tích.

Cách giải:

Học sinh trình bày cách hiểu của mình về cụm từ “Sống trong từng khoảnh khắc” sao cho hợp lí.

Gợi ý:

- Sống trong từng khoảnh khắc là biết trân trọng cuộc sống hiện tại.

- Sống trong từng khoảnh khắc là biết cố gắng hết mình, không sợ hãi, chùn bước trước bất cứ điều gì.

- Sống trong từng khoảnh khắc là việc hôm nay không để ngày mai.

-….

Câu 4:

Nêu một bài học tư tưởng mà em thích được rút ra từ một trong hai văn bản trên. Lí giải vì sao em thích?

Phương pháp: Phân tích, lí giải.

Cách giải:

Học sinh đưa ra một bài học mình yêu thích và đưa ra lí giải phù hợp.

Gợi ý: Bài học tư tưởng:

- Phải biết tự chăm sóc chính mình.

- Tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống.

-…

II. LÀM VĂN: 

Câu 1:

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý nghĩa của việc biết yêu nơi mình sống.

Phương pháp: Phân tích, giải thích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về hình thức: Viết đúng đoạn văn khoảng 200 chữ.

* Yêu cầu về nội dung:

- Xác định đúng yêu cầu: Ý nghĩa của việc biết yêu nơi mình sinh sống.

- Giải thích: Yêu nơi mình sống là yêu thương trân trọng những sự vật, con người thậm chí những điều nhỏ nhặt nhất nơi mình sinh sống.

- Ý nghĩa của việc biết yêu nơi mình sinh sống.

+ Khi biết yêu nơi mình sống bản thân mỗi con người sẽ học được cách trân trọng những điều thuộc về bản thân mình.

+ Khi biết yêu nơi mình sống, tình yêu đó sẽ tạo ra động lực để con người nỗ lực cống hiến, xây dựng. Trong quá trình cố gắng ấy, con người tích lũy được nhiều kiến thức để hoàn thiện bản thân hơn.

+ Khi biết yêu nơi mình sống, con người cảm nhận được hạnh phúc đến từ những điều hiện hữu xung quanh mình. Từ đó thêm yêu cuộc sống, cuộc sống cũng vì thế mà trở nên có ý nghĩa hơn.

- Bàn luận mở rộng:

+ Phê phán những người có tư tưởng xa rời quê hương, nơi mình sinh sống.

+ Gắn bó với quê hương xứ sở, nơi mình sinh sống nhưng vẫn luôn tiếp thu, học hỏi sự phát triển của nhân loại.

Câu 2:

Có một thi sĩ yêu nơi mình sống và đã từng cảm nhận được khoảng khắc của cuộc sống nơi ấy khi thu sang như sau:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình

Hình như thu đã về.

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu.

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sẩm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

(Sang thư — Hữu Thỉnh, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2021, tr.70)

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm Sang thu.

II. Thân bài:

1. Những tín hiệu báo mùa thu sang.

Bài thơ được mở ra bằng những tín hiệu rất riêng, báo mùa thu về:

+ “Hương ổi”: đi liền với từ “bỗng” gợi cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng; “phả” – làn hương ngọt ngào, sánh đậm, mùi ổi chín như được cô lại, phả vào gió thu. “Hương ổi” gợi không gian thơ thân thuộc, yêu dấu của làng quê đất Việt với những khu vườn, lối ngõ sum xuê hoa trái, làm nên hương sắc mỗi mùa; gợi hương vị riêng của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh.

+ “Gió se” là ngọn gió heo may mùa thu dịu nhẹ, thoáng chút se lạnh lúc thu về, giúp ta cảm nhận rõ hơn cái ngọt lành của hương ổi.

+ “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, gợi dáng vẻ, tâm trạng của làn sương thu. Làn sương lãng đãng như cố ý chậm lại, lưu luyến mùa hè, chưa muốn bước hẳn sang thu.

Hệ thống hình ảnh độc đáo đã diễn tả một cách tài tình cái không khí se lạnh đầu thu và cả cái nhịp điệu chầm chậm của mùa thu về với đất trời.

Đối diện với những tín hiệu báo thu là cái ngỡ ngàng của lòng người:

+ “Hình như” là lối nói giả định, không chắc chắn, phù hợp với những biểu hiện mơ hồ lúc giao mùa – những biểu hiện ấy không chỉ được cảm nhận bằng các giác quan mà còn phải cảm nhận bằng cả một tâm hồn tinh tế.

+ Âm điệu: là tiếng reo vui, ngỡ ngàng lúc thu sang.

Khổ thơ là những cảm nhận mới mẻ, tinh tế của tác giả lúc mùa sang. Ẩn sau những đổi thay của thiên nhiên đất trời lúc sang thu là niềm vui, niềm hạnh phúc của thi nhân.

2. Quang cảnh thiên nhiên ngả dần sang thu:

- Được tái hiện vừa chân thực lại vừa sống động:

+ “Sông” “dềnh dàng”: tả thực con sông của mùa thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, êm đềm. Nghệ thuật nhân hóa khiến con sông như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho con người qua chiến tranh, lửa đạn, giờ đang chậm lại, cho phép mình được nghỉ ngơi.

+ “Chim” “vội vã”: vừa tả thực những cánh chim bay vội về phương Nam tránh rét, vừa gợi những vội vã, tất bật với lo toan thường nhật của đời người.

+ Phép đối “dềnh dàng” >< “vội vã” làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên mà cũng là sự vận động của thiên nhiên giao mùa.

Được khắc họa rất ấn tượng:

+ “Đám mây mùa hạ” được hữu hình hóa, vừa thực vừa hư, tái hiện được  nhịp điệu của thời gian, là một chiếc cầu nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu để sự chuyển giao giữa hai mùa không đứt đoạn.

+ Đám mây mang cả lớp nghĩa thế sự, gợi trạng thái giao thời của đời sống khi đất nước chuyển giao từ chiến tranh sang hòa bình.

Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ rất giàu chất tạo hình. Ẩn sau những hình ảnh thiên nhiên lúc thu sang ấy còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu.

3. Những biến chuyển của thiên nhiên và suy ngẫm về đời người lúc chớm thu:

- Những biến chuyển của thiên nhiên được tái hiện tài tình:

+ Phép đối: “vẫn còn” – “vơi dần”, “nắng” – “mưa” gợi sự vận động trái chiều của hai hiện tượng thiên nhiên -> biểu hiện của sự giao mùa.

+ “Mưa”, “nắng”: là những hiện tượng thời  tiết dễ quan sát, nắm bắt, làm cụ thể hóa khoảnh khắc chuyển mùa. Nắng vẫn còn nhưng không chói chang, gay gắt, cơn mưa rào đặc trưng của mùa hạ đã vơi dần -> dấu hiệu của mùa thu đậm nét hơn.

+ Những từ ngữ chỉ mức độ “vẫn còn” “vơi” “bớt” được sắp xếp giảm dần cho thấy mùa hạ đang nhạt dần, mùa thu ngày càng rõ nét hơn. Mùa thu đã hiện hình giữa đất trời.

- Suy ngẫm về đời người lúc chớm thu:

+ Tiếng sấm: Theo nghĩa thực, tiếng sấm là dấu hiệu của những cơn mưa rào mùa hạ. Sang thu, tiếng sấm nhỏ dần, không đủ sức làm lay động hàng cây đã bao mùa thay lá. Nghĩa ẩn dụ: chỉ những biến động thất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời, cho những gian nan, thử thách mà con người gặp phải trong cuộc đời.

+ “hàng cây đứng tuổi”: phép nhân hóa gợi cái xế chiều của đời người, gợi hình ảnh những con người đã trưởng thành, trầm tình và vững vàng hơn.

=> Con người khi đã trưởng thành sẽ hiểu biết hơn, bình tĩnh, ung dung hơn trc mọi đổi thay, biến động của cuộc đời.

III. Kết bài

- Nội dung:

+ Cảm nhận và tái hiện tinh thế khoảnh khắc chuyển mùa từ hạ sang thu với sự giao thoa của nhiều lớp nghĩa: trời đất sang thu, đời sống sang thu, đời người sang thu.

+ Tái hiện những nét đẹp đặc trưng của mùa thu đất Bắc lúc vừa sang.

- Nghệ thuật: Ngôn ngữ, hình ảnh vừa giản dị, tự nhiên mà giàu sức gợi, vừa độc đáo, mới lạ. Giọng thơ nhỏ nhẹ, sâu lắng.

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"