Soạn bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc SGK Ngữ văn 12 tập 1 Chân trời sáng tạo

2024-09-14 19:51:47

Trước khi đọc

Trả lời Câu hỏi Trước khi đọc trang 75 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Bạn biết gì về vai trò của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông đối với phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ cuối thế kỉ XIX? Hãy chia sẻ với bạn cùng nhóm.

Phương pháp giải:

Tìm đọc thông tin về vai trò của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ cuối thế kỉ XIX

Lời giải chi tiết:

Cách 1

Nguyễn Đình Chiểu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông chiến đấu bằng ngòi bút, hòa mình trong cuộc chiến đấu của nhân dân và trở thành người phát ngôn của phong trào yêu nước chống Pháp.


1

Trả lời Câu hỏi 1 Trong khi đọc trang 75 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Đọc từ câu 3 đến câu 9: Nghĩa sĩ Cần Giuộc xuất thân từ đâu? Điều gì thôi thúc họ ra trận?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ phần đầu văn bản

Lời giải chi tiết:

Cách 1

- Là những người nông dân cần cù lao động, vất vả, cuộc sống gắn liền với đồng ruộng. Hoàn toàn xa lạ với những vũ khí như khiên, súng, mác....

- Họ là những người “cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó”: hoàn cảnh sống cô đơn, thiếu người nương tựa, âm thầm lặng lẽ lao động mà vẫn nghèo khó suốt đời.

- Lúc đầu người dân cảm thấy lo sợ khi thực dân Pháp đến xâm lược sau đó đến trông chờ tin quan rồi chuyển thành ghét và căm thù giặc, cuối cùng họ đã đứng lên chống lại.


2

Trả lời Câu hỏi 2 Trong khi đọc trang 76 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Đọc từ câu 10 đến câu 15: Bạn hình dung như thế nào về điều kiện và tinh thần chiến đấu của những nghĩa sĩ Cần Giuộc?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu 2 - câu 15

Lời giải chi tiết:

Cách 1

- Tinh thần chiến đấu cao đẹp: Họ vốn là người dân ấp, dân lân không phải là người lính diễn binh thực sự mà "mến nghĩa làm quân chiêu mộ" 

- Quân trang của họ trang bị rất thô sơ: manh áo vải, ngọn tầm vông... Điều đó càng làm nổi bật sự anh dũng cao đẹp của những người nông dân nghĩa sĩ... 

- Những chiến công đáng tự hào đã được họ lập nên: đốt nhà dạy đạo, chém đầu quan hai.


3

Trả lời Câu hỏi 3 Trong khi đọc trang 78 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Hai câu 24, 25 thể hiện tình cảm, cảm xúc của ai trước sự hi sinh của những người nghĩa sĩ?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu 24, 25

Lời giải chi tiết:

Cách 1

+ Nỗi nuối tiếc, hận cho những người phải hi sinh sự nghiệp dang dở, chí nguyện chưa thành

+ Nỗi xót xa của gia đình mất người thân

+ Nỗi căm hờn những kẻ gây ra khó khăn, đau khổ

+ Tiếng khóc uất nghẹn trước tình cảnh đau thương của dân tộc


4

Trả lời Câu hỏi 4 Trong khi đọc trang 79 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Hai câu 28, 29 cho thấy tác giả quan niệm như thế nào về lẽ sống chết của người nghĩa sĩ?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ câu 28, 29

Lời giải chi tiết:

Cách 1

- Người nghĩa sĩ sống đánh giặc, chết cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia... 

- Dù đã ra đi nhưng Nguyễn Đình Chiểu vẫn khẳng định rằng linh hồn của các nghĩa sĩ vẫn còn sống mãi, vẫn phù hộ để chống giặc ngoại xâm. Lời khẳng định cho thấy niềm tự hào vô cùng sâu sắc, cho thấy Nguyễn Đình Chiểu đã đặt người nông dân đúng vào vị trí có thực của họ trong lịch sử, toát lên một vẻ đẹp tâm hồn cao quý, lưu danh với hậu thế ngàn thu. Họ sống một cuộc sống anh hùng, chết một cái chết vinh quang. 

- Chết mà như sống, linh hồn nghĩa binh vẫn cùng nhân dân đánh giặc, vẫn tiếp tục trung quân ái quốc. Ước nguyện trả đền nợ nước, trở thành lời thề thiêng liêng vang vọng núi sông. Cái chết hóa thân vào núi sông, cái chết hóa thành bất tử.

- Quan niệm “chết vinh còn hơn sống nhục” lại được thắp sáng qua hình ảnh và cuộc đời của họ.


1

Trả lời Câu hỏi 1 Sau khi đọc trang 79 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Hình ảnh của người nghĩa sĩ đã được thể hiện khái quát trong hai câu đầu của văn bản như thế nào?

Phương pháp giải:

Đọc kĩ phần đầu văn bản

Lời giải chi tiết:

Cách 1

- Lòng yêu nước của nghĩa nhân dân soi sáng khắp nơi

- Tác giả đã tái hiện được bối cảnh thời địa với nhiều biến cố, bão táp: giặc được trang bị những vũ khí tối tân, đã tàn sát biết bao người dân vô tội. Chính trong hoàn cảnh ấy đã thử thách tấm lòng của con người đối với đất nước. Người dân Nam Bộ không hề sợ chết, đem thân mình chiến đấu chống lại kẻ thù. Họ sẵn sàng từ bỏ, hy sinh những gì quý giá nhất (tài sản, tính mạng) để đổi lại danh tiếng, tiếng thơm lưu truyền với muôn đời. Qua đó đã làm sáng tỏ chân lý của thời đại: Chết vinh còn hơn sống nhục. 


2

Trả lời Câu hỏi 2 Sau khi đọc trang 79 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Phân tích hình tượng người nghĩa sĩ Cần Giuộc được miêu tả từ câu 3 đến câu 15 và làm rõ:

- Những đặc điểm nổi bật của hình tượng người nghĩa sĩ (ví dụ: hoàn cảnh xuất thân, điều kiện chiến đấu, hành động và tinh thần chiến đấu…)

- Những điểm đặc sắc trong cách miêu tả, thể hiện hình tượng người nghĩa sĩ.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Cách 1

a.

a1. Nguồn gốc xuất thân của những người nông dân nghĩa sĩ

- Từ nông dân nghèo khổ, những dân ấp, dân lân (những người bỏ quê đến khai khẩn đất mới để kiếm sống): “cui cút làm ăn; toan lo nghèo khó”: hoàn cảnh sống cô đơn, thiếu người nương tựa, âm thầm lặng lẽ lao động mà vẫn nghèo khó suốt đời

a2. Người nông dân nghĩa sĩ hiện lên với lòng yêu nước nồng nàn

- Khi thực dân Pháp xâm lược người nông dân cảm thấy: Ban đầu lo sợ rồi đến trông chờ tin quan - ghét - căm thù - đứng lên chống lại.

Vốn là những người nông dân nghèo khó không biết đến việc binh đao, họ lo sợ là chuyện bình thường

Sự chờ đợi “quan”: như “trời hạn trông mưa”

Thái độ đối với giặc: “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ”, “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ”

- Thái độ căm ghét, căm thù đến tột độ được diễn tả bằng những hình ảnh cường điệu mạnh mẽ mà chân thực

- Nhận thức về tổ quốc: Họ không dung tha những kẻ thù lừa dối, bịp bợm. → Họ chiến đấu một cách tự nguyện: “nào đợi đòi ai bắt…”

a3. Người nông dân nghĩa sĩ cao đẹp bởi tinh thần chiến đấu hi sinh của người nông dân

- Tinh thần chiến đấu tuyệt vời: Vốn không phải lính diễn binh, chỉ là dân ấp dân lân mà “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”

- Quân trang rất thô sơ: một manh áo vải, ngọn tầm vông, lưỡi dao phay, rơm con cúi đã đi vào lịch sử → làm rõ nét hơn sự anh dũng của những người nông dân nghĩa sĩ

- Lập được những chiến công đáng tự hào: “đốt xong nhà dạy đạo”, “chém rớt đầu quan hai nọ”.

b. 

- Nghệ thuật tương phản: “chưa quen - chỉ biết, vốn quen - chưa biết”.

- “đạp rào”, “xô cửa”, “liều mình”, “đâm ngang”, “chém ngược”…: động từ mạnh chỉ hành động mạnh mẽ với mật độ cao nhịp độ khẩn trương sôi nổi.

- Sử dụng các động từ chéo “đâm ngang, chém ngược” → làm tăng thêm sự quyết liệt của trận đánh.

→ Tượng đài nghệ thuật sừng sững về người nông dân nghĩa sĩ đánh giặc cứu nước.


3

Trả lời Câu hỏi 3 Sau khi đọc trang 80 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Phân tích một đoạn hoặc một số câu trong bài mà theo bạn là đã thể hiện một cách sâu sắc, thấm thía tình cảm của nhân dân và của tác giả đối với sự hi sinh của người nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản lựa chọn những câu thơ thể hiện tình cảm của nhân dân và của tác giả đối với sự hi sinh của người nghĩa sĩ Cần Giuộc

Lời giải chi tiết:

Cách 1

Từ “Ôi thôi thôi!” đến hết.

→ Tác giả luận về ý nghĩa cao cả của sự hi sinh và bày tỏ tình cảm xót thương của nhân dân đối với những người vì nước quên thân:

- Sự xót thương dành cho người nghĩa sĩ, nỗi đau thương trùm lên đời sống và số phận người mẹ già ngồi khóc trẻ trong lều khuya leo lét ánh đèn.

- Cái chết của nghĩa binh đánh động người còn sống ý thức hơn về số phận của đồng bào, nhắc nhở rằng binh tướng giặc còn đó đã làm cho bốn phía mây đen, phải tiếp tục vùng lên để cứu nước, cứu nòi.

- Khẳng định họ mất đi về mặt thể xác nhưng luôn luôn sống trong tâm trí những người dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.


4

Trả lời Câu hỏi 4 Sau khi đọc trang 80 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

 Phân tích tác dụng của ngôn ngữ, giọng điệu trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả trước hành động chiến đấu và hi sinh của người nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Phương pháp giải:

 Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Cách 1

Tác giả đã khéo léo thay đổi giọng văn từ tráng lệ hào hùng sang đau xót tiếc thương trước sự ra đi của gần hai mươi người anh hùng đất Cần Giuộc. Chính giọng văn ngậm ngùi trầm lắng đã thể hiện cảm xúc xót thương.


5

Trả lời Câu hỏi 5 Sau khi đọc trang 80 SGK Văn 12 Chân trời sáng tạo

Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài văn tế.

Phương pháp giải:

Đọc kĩ văn bản

Lời giải chi tiết:

Cách 1

Ngợi ca, thương tiếc và kính phục những nghĩa quân đã anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp tại Cần Giuộc vào năm 1861.


Bài đọc

Bạn muốn hỏi điều gì?
Đặt Câu Hỏi

Chúng tôi sử dụng AI và sức mạnh của cộng đồng để giải quyết câu hỏi của bạn

Mẹo tìm đáp án nhanh

Search Google: "từ khóa + hoctot.me" Ví dụ: "Bài 1 trang 15 SGK Vật lí 11 hoctot.me"