Câu 1
Trả lời Câu hỏi 1 trang 100 SGK Văn 12 Cánh diều
Văn bản Nhật kí Đặng Thùy Trâm có sự kết hợp giữa ngôn ngữ trang trọng và ngôn ngữ thân mật. Em hãy chỉ ra những đặc điểm của hai kiểu ngôn ngữ này trong đoạn trích sau:
a. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi? Nhưng… tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có… Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Từ ước mơ đó mới có được những gì gọi là của riêng mình. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến, và tuổi trẻ qua đi giữa những tiếng bom rơi đạn nổ.
b. Được thư mẹ… mẹ của con ơi, mỗi dòng chữ, mỗi lời nói của mẹ thấm nặng yêu thương, như những dòng máu chảy về trái tim khao khát nhớ thương của con. Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ là giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ôtô đưa con vào con đường bom đạn
Phương pháp giải:
Xem lại lý thuyết về ngôn ngữ trang trọng và thân mật từ đó nhận xét đoạn văn sau.
Lời giải chi tiết:
a. Đoạn văn là tâm sự của một bác sĩ Đặng Thùy Trâm giữa chiến trường ác liệt trong thời khắc của năm mới. Một tâm sự tiếc nuối tuổi thanh xuân nhưng cũng sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân. Ở đoạn văn trên, sử dụng ngôn ngữ trang trọng:
+ Chọn lọc sử dụng từ ngữ: cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng”; thời đại; tiền tuyến, tuổi trẻ , những tiếng bom rơi đạn nổ..
+ Diễn tả tâm sự tiếc nuối tuổi xuân nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu cho lý tưởng cách mạng của tác giả.
b. Đoạn văn trên là những dòng nhật kí của bác sĩ Đặng Thùy Trâm khi nhận được thư của mẹ ở nơi chiến trường bom đạn. Vì thế, đoạn văn sử dụng ngôn ngữ thân mật. Cụ thể:
- Cách xưng hô thân mật: “ mẹ - con”, “ mẹ của con ơi”
- Sử dụng nhiều từ ngữ bộc lộ cảm xúc: “ thấm nặng yêu thương”, “ trái tim khao khát nhớ thương của con”
- Thể hiện sự nhớ thương gia đình da diết, xót xa và nỗi đau buồn khi phải xa nhà của tác giả
Câu 2
Trả lời Câu hỏi 2 trang 100 SGK Văn 12 Cánh diều
Em hãy tìm những câu văn trong văn bản Khúc tráng ca nhà giàn ( Xuân Ba) thể hiện thái độ và cảm xúc của tác giả đối với những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám trụ ở nhà giàn giữa biển khơi. Những câu văn ấy mang màu sắc trang trọng hay thân mật? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc lại văn bản Khúc tráng ca nhà giàn và trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
- Những câu văn trong văn bản Khúc tráng ca nhà giàn ( Xuân Ba) thể hiện thái độ và cảm xúc của tác giả đối với những cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám trụ ở nhà giàn giữa biển khơi là:
+ “ Không chỉ có mồ hôi và sức trẻ hòa cùng biển mặn. Còn là máu! Máu của nhiều lính thủy Việt đã tưới xuống những rặng san hô Ba Kè này.”
+ “ Ngạc nhiên khi được biết, cái nhà giàn chót vùng biển đất Mũi Cà Mau cũng do quân của tướng Nam đây thiết kế thi công”
+ “Tôi ngó xuống làn nước thăm thẳm kia để rùng mình, không biết anh em công binh làm cách nào mà thương lượng được với Hà Bá hay vua Thủy Tề để cắm được hệ thống đài cọc vững vàng kiên cố như thế…”
+ “ Mà nếu tôi không lầm, có lẽ họ sẽ là ông tổ của những hậu duệ mai kia sẽ cắm hệ thống đài cọc hiện đại- bà đỡ cho nền móng những thành phố, sân bay trên biển của nước Việt Nam mới”
- Những câu văn ấy mang màu sắc thân mật vì :
+ Ngôn ngữ giản dị hàm súc
+ Sử dụng nhiều câu hỏi, câu cảm thán
+ Thể hiện sự kính trọng, yêu mến, khâm phục ngưỡng mộ, tự hào trước vẻ đẹp kiên cường ,vững vàng của các cán bộ, chiến sĩ ngày đêm bám trụ ở nhà giàn giữa biển khơi.
Câu 3
Trả lời Câu hỏi 3 trang 100 SGK Văn 12 Cánh diều
Các đoạn văn dưới đây đã sử dụng ngôn ngữ trang trọng và ngôn ngữ thân mật phù hợp chưa? Vì sao?
a. Con hổ dùng những cái vuốt nhọn hoắt cấu vào người, vào mặt Viên… Nhưng Viên vẫn ráng sức quần nhau với chú hổ
( Dẫn theo Nguyễn Đức Dân)
b. Lời nhận xét ấy có đúng không? Đúng quá đi chứ! Nào, bạn hãy cùng tôi đi phân tích tác phẩm để hiểu rõ vấn đề.
( Dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp)
c. Trước lúc đi ngủ, San tâm sự với tôi:
- Cháu bị số phận hắt hủi. Giờ thì cả cha và mẹ đều không còn. Cuộc sống của cháu không còn ý nghĩa gì nữa.
Tôi chưa biết an ủi thế nào, cậu ta tiếp:
- Có lẽ cháu sẽ đi đâu đó. Ở mảnh đất nhốn nháo này, cháu chằng còn duyên nợ.
- Nhưng cháu còn người bà- Cuối cùng, tôi cất lời khuyên- Người bà ngoại khổ đau và bất hạnh.
( Dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp)
Phương pháp giải:
Xem lại lý thuyết về ngôn ngữ trang trọng và thân mật từ đó nhận xét đoạn văn
Lời giải chi tiết:
a. Đoạn văn trên chưa sử dụng đúng ngôn ngữ trang trọng. Cụ thể, trong từ “ chú hổ” thể hiện thái độ âu yếm, thân mật. Do đó, việc sử dụng từ đã biểu đạt sai về sắc thái biểu cảm, sai phong cách ngôn ngữ.
→ Cách sửa: Con hổ dùng những cái vuốt nhọn hoắt cấu vào người, vào mặt Viên… Nhưng Viên vẫn ráng sức quần nhau với con hổ
b. Đoạn văn trên chưa sử dụng đúng ngôn ngữ trang trọng. Đây là văn bản nghị luận, hành chính vì thế, việc sử dụng câu hỏi, câu cảm thán không phù hợp với phong cách văn bản
→ Cách sửa: Lời nhận xét ấy vô cùng đúng. Vì thế, bạn hãy cùng tôi đi phân tích tác phẩm để hiểu rõ vấn đề.
c. Đoạn văn trên chưa sử dụng đúng ngôn ngữ thân mật. Cụ thể, trong việc sử dụng từ “ cậu ta”, “ người bà ngoại” đã diễn tả không đúng sắc thái biểu cảm cũng như kiểu phong cách ngôn ngữ văn bản.
→ Cách sửa:
Trước lúc đi ngủ, San tâm sự với tôi:
- Cháu bị số phận hắt hủi. Giờ thì cả cha và mẹ đều không còn. Cuộc sống của cháu không còn ý nghĩa gì nữa.
Tôi chưa biết an ủi thế nào, cậu bé tiếp:
- Có lẽ cháu sẽ đi đâu đó. Ở mảnh đất nhốn nháo này, cháu chằng còn duyên nợ.
- Nhưng cháu còn bà- Cuối cùng, tôi cất lời khuyên- Người bà khổ đau và bất hạnh.
Câu 4
Trả lời Câu hỏi 4 trang 101 SGK Văn 12 Cánh diều
Để tham gia xét tuyển tại một trường đại học hoặc ứng tuyển một vị trí việc làm, em cần viết một bài luận hoặc một bức thư. Hãy chọn ngôn ngữ ( trang trọng hoặc thân mật) phù hợp để viết bài luận hoặc bức thư đó.
Phương pháp giải:
Lựa chọn ngôn ngữ phù hợp và thực hành viết theo yêu cầu đề bài.
Lời giải chi tiết:
- Lưu ý: Để viết bài luận tham gia xét tuyển trường đại học, bức thư ứng tuyển vị trí việc làm, cần sử dụng ngôn ngữ trang trọng.
- Ví dụ về bức thư ứng tuyển vị trí việc làm:
Kính gửi: Ban lãnh đạo và phòng nhân sự Công ty …….
Tôi tên là: ……………………………..
Sinh ngày: ……………………………..
Địa chỉ nhà ở hiện tại: …………………………………………..
Số điện thoại liên hệ:………………………..
Thông qua báo ….. , tôi được biết Quý công ty đang cần tuyển vị trí Content Writer. Tôi mong muốn được thử sức mình trong môi trường làm việc hết sức chuyên nghiệp và năng động của Qúy công tin. Với trình độ, kinh nghiệm hiện có, tôi nhận thấy vị trí này phù hợp với mình nên viết đơn xin dự tuyển.
Tôi đã tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Báo mạng tại trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Suốt quãng thời gian học tập, tôi được cung cấp các kiến thức chuyên ngành của một biên tập viên, cách làm việc với con chữ. Vì vậy, bản thân tôi tự tin với khả năng viết lách cũng như khả năng sáng tạo ý tưởng của mình.
Ngoài ra, tôi có được kinh nghiệm thực tế khi trở thành cộng tác viên của các tờ báo lớn như Vietnamnet, Dân trí từ năm ba đại học. Thêm vào đó, tôi có một năm kinh nghiệm làm việc cho công ty truyền thông A ở vị trí Coppywriting sau khi tốt nghiệp. Tôi cũng đã gửi kèm theo thư này một bản lý lịch miêu tả mọi thông tin cá nhân của tôi và những kinh nghiệm mà tôi từng trải và những gì mà tôi đã được học.
Qua quá trình viết nội dung, tôi rèn luyện được cách lên ý tưởng sao cho thu hút người đọc, cùng các kỹ năng thiết kế và sản xuất video. Vì vậy, tôi tin mình có thể đảm nhiệm tốt công việc và cống hiến cho công ty.
Cám ơn ông/bà đã dành thời gian quý báu để xem xét thư xin việc này. Rất mong Quý công ty có thể sắp xếp một cuộc phỏng vấn trực tiếp gần nhất để tôi có thể trình bày rõ hơn về bản thân và tìm hiểu các yêu cầu chi tiết công việc.
Trân trọng!
Hải Phòng, ngày…. tháng …. năm
( Ký tên )