Câu 1
Trả lời Câu hỏi 1 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Nguyên nhân nào khiến ông Diểu muốn đi săn? Hoạt động đi săn của ông Diểu được miêu tả như thế nào trong truyện?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ phần văn bản trước và trong khi ông Diểu bắt đầu đi săn.
Lời giải chi tiết:
Nguyên nhân khiến ông Diểu muốn đi săn:
-Có khẩu súng hai nòng mới do con trai học ở nước ngoài gửi về.
-Khoảng thời gian sau Tết Nguyên đán là thời gian thích nhất ở rừng.
Hoạt động đi săn ông Diểu được miêu tả vô cùng cụ thể, chi tiết:
-Trang phục đi săn: “nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ”, “mang theo cả nắm xôi nếp.”
-Ông đi men theo suối cạn, cứ thế ngược lên mó nước đầu nguồn.
-Phát đạn của ông Điểu trúng vào vai khỉ bố, khiến nó ngã nhào xuống đất.
-Ông Diểu tức giận cầm khẩu súng ném về phía trước.
-Nhặt đất đá ném theo lũ khỉ, ông Điểu đuổi theo khỉ con
-Ông Diểu dồn con khỉ nhỏ đến bờ miệng vực.
Câu 2
Trả lời Câu hỏi 2 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Tìm và phân tích những nguyên nhân khiến ông Diểu đi đến quyết định phóng sanh cho con khỉ đực.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản
Lời giải chi tiết:
Nguyên nhân khiến ông khiến ông Diểu đi đến quyết định phóng sanh cho con khỉ đực được thể hiện ở chi tiết:
- “Con khỉ run bắn, đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn....viên đạn phá vỡ bả vai nó, làm trồi hẳn đoạn xương dài đến bốn phân. Ánh mắt khẩn cầu của chú khỉ khiến trái tim ông lay động, đứng trước một sinh mệnh hấp hối và quằn quại trong đau đớn do mình trực tiếp gây nên, ông bắt đầu cảm thấy tội lỗi bủa vây, đến mức né tránh ánh mắt của chú khỉ.”
-“Cách đó không xa, con khỉ cái cũng thập thò sau một gốc cây theo dõi. Ông thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.”
-Đây chính là hai chi tiết đánh thức con người ông Diểu. Chính hai chi tiết này đã khiến ông nhận ra rằng: “trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề”. Nếu không phóng sinh cho nó, ông sẽ cảm thấy cay đắng biết bao, bởi chính ông sẽ là người phá huỷ một gia đình. Chính vì vậy ông đã phóng sinh cho nó.
Câu 3
Trả lời Câu hỏi 3 trang 9 SBT Văn 12 Cánh diều
Thống kê và nêu ý nghĩa của những chi tiết kì ảo trong chuyện Muối của rừng. Những chi tiết này thể hiện chủ đề nào trong tác phẩm?
Phương pháp giải:
Nắm rõ được khái niệm “chi tiết kì ảo”
Đọc và tìm những chi tiết kì ảo, chú ý đến những chi tiết ấy xuất hiện trong bối cảnh nào.
Lời giải chi tiết:
Chuyện Muối của rừng có các chi tiết kì ảo
-Không gian kì ảo: “Từ dưới miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông rất kinh dị, vừa đầy tử khí. Sương mù len vào từng chân bụi cân và xóa rất nhanh cảnh vật” Thể hiện không gian núi rừng vô cùng lạnh lẽo với làn sương mù dày đặc, tạo ấn tượng cho người đọc.
-Hình ảnh hoa tử huyền: “Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.” Đây vốn là một loài hoa không có thật nhưng qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, loài hoa ấy được coi là muối của rừng, kết tinh mọi điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Đây là hình ảnh mang tính biểu tượng gợi nhắc niềm tin vào bản chất thuần phác, đẹp đẽ của thiên nhiên và con người
- Chủ đề của tác phẩm: Đề cao sự vị tha, hướng thiện của con người cùng vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo hóa và sự liên kết gắn bó giữa thiên nhiên và con người
Câu 4
Trả lời Câu hỏi 4 trang 10 SBT Văn 12 Cánh diều
Suy nghĩ của em về câu văn kết thúc truyện: “Chỉ ít ngày nữa sang tiết Lập hạ. Trời sẽ ấm dần.”
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn cuối của tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
-Nghĩa thực: Đây là hình ảnh báo hiệu cho mùa Hè sắp tới. Theo quan niệm của người xưa: trong thế giới sống, nhân sinh và quan điểm ngũ hành, thì khí âm sẽ yếu hơn khí dương. Đây cũng chính là lúc sinh vật trở nên năng động, sinh sôi nảy nở, nhiệt độ và ánh sáng cũng cao hơn.
-Nghĩa ẩn dụ: đây là kết thúc truyện theo kiểu kết mở theo hướng tích cực. Theo đó, mùa hạ đến, sinh vật sinh sôi nảy nở, cuộc sống sẽ trở nên tốt hơn. Hai chữ “ấm dần” đặt ở cuối truyện như một hình thức ẩn dụ nói rằng hình ảnh ông Biểu đã quay trở lại cái gọi là nhân tính trong quan điểm của người xưa: “nhân chi sơ tính bản thiện”. Từ đó tác giả cũng muốn truyền tải đến mọi người hãy sống “ấm” lên để thiên nhiên và con người luôn có những kết nối với nhau, cùng sống và cùng “ấm dần” theo năm tháng.
Câu 5
Trả lời Câu hỏi 5 trang 10 SBT Văn 12 Cánh diều
Em ấn tượng nhất với hình ảnh/ câu văn/ đoạn văn nào trong truyện Muối của rừng? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ văn bản và nêu cảm nhận về hình ảnh/ câu văn/ đoạn văn mà mình ấn tượng nhất
Lời giải chi tiết:
Trong truyện Muối của rừng em thấy ấn tượng nhất về hình ảnh chú khỉ con ôm súng nhảy xuống vách núi.
Bởi vì chính hình ảnh ấy khiến em nhận ra rằng: chú khỉ con trong tác phẩm trên dường như có cảm xúc như một con người. Hành động nó ôm cái súng của ông Diểu mà nhảy xuống chính là một nốt hình ảnh khiến cho độc giả phải ngạc nhiên. Tuy rằng nó là một con vật nhưng nó lại có tình yêu thương gia đình giống như con người. Hơn nữa, nó biết rằng nếu đưa cây súng cho ông Diểu, cả gia đình nó sẽ phải chết, và rồi nó ôm cây súng và nhảy xuống. Một hình ảnh về đứa con có tình yêu với gia đình và đầy sự can đảm, dám chết để mọi người có cơ hội sống.
Câu 6
Trả lời Câu hỏi 6 trang 10 SBT Văn 12 Cánh diều
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Thùng rác
Lược đoạn đầu: Vào một ngày, đột nhiên nhân vật xưng "tôi" thấy tất cả mọi người xung quanh mình đều dửng dưng tiếp xúc với anh ta như một người xa lạ, không hề quen biết.
Rõ ràng tôi không bị sa thải khỏi công ty, không dính phốt nọ phốt kia; mọi thứ đều rất ok; thế thì tại sao tự nhiên vào một ngày đẹp trời như thế này, tất cả đồng loạt khước từ tôi?
Bế tắc trong suy nghĩ khiến tôi muốn ốm. Tôi bỏ về nhà.
Nhà cửa tanh bành. Vợ con dắt nhau về nhà ngoại từ đầu tuần, tôi đi tối ngày, cũng chẳng buồn dọn.
Tôi vào nhà tắm, xối nước vào người cho đỡ ngột ngạt. Nhưng tại sao lại thế này? Tôi hốt hoảng nhìn vào Thằng Người trong gương. Tại sao lại có nó ở đây? Một khuôn mặt bèn bẹt, vô cảm. Hai con mắt lờn lợt của nó trương lên nhìn tôi. Vốn không phải người yếu bóng vía, sợ run lên khi nghe mấy chuyện ma quỷ, tôi chỉ lấy làm lạ về sự xuất hiện của Thằng Người kia. Tôi giơ tay sờ vào mặt nó. Nó cũng giơ tay sờ vào mặt tôi. Tôi hỏi:
- Mày ở đâu ra vậy?
Nó cũng mấp mồm hỏi tôi ngần ấy từ.
- Mẹ kiếp! Tao là chủ cái nhà này!
Nó nhếch mép cười khinh thị, nhại lại:
- Mẹ kiếp! Tao là chủ cái nhà này!
Tôi và Thằng Người kia vờn nhau một hồi thì tôi sực tỉnh: Chẳng có ai ngoài tôi trong cái nhà tắm ngổn ngang những chai lọ và một thùng rác đầy cỏ ngọn, lổm nhổm giấy rác, đầy mẩu thuốc lá. Thằng Người- Tôi mọc lên từ đám ấy, giống một cái giẻ chùi đã quá date.
Nhưng tại sao lại có thể như thế được? Ngày nào tôi cũng soi gương, cạo râu, sức nước hoa trước khi đi làm. Tôi phong độ và bảnh bao; không phải một khuôn mặt vô cảm, thiếu sinh khí đến thế này. Nhất định tấm gương trong nhà tắm có vấn đề. Tôi hối hả chạy ra khỏi phòng khách. Thằng Người- Tôi đứng chễm trệ trong gương. Hai má chảy nhão, xanh bùng. Đôi mắt lờ nhờ, bé như hai hạt đỗ. Mũi tẹt dúm xuống hốc mồm thâm sì. Tôi nhìn hình ảnh của chính mình mà chỉ chực nôn oẹ. Trời ơi, sao có thể là tôi được?
Không tin vào những chiếc gương trong nhà, tôi chạy ra sảnh, đi vào cầu thang máy, với hi vọng “kiểm định” lại một thực tế tươi sáng khác…
Bốn mặt thang máy sáng bóng cùng lúc xuất hiện bốn Thằng Người- Tôi. Bốn cặp mắt hạt đỗ, bốn cặp má chảy xệ, bốn quả mũi dúm dó hăm hở tiến đến, siết chặt tay tôi vào giữa vòng vây. Tôi không còn một chỗ nào để bám víu.
Cửa thang may kịp mở ra đúng lúc tôi tưởng mình sắp chết đến nơi. Thằng cha hàng xóm đứng chặn lù lù ngay cửa ra vào. Tôi nhệu nhạo cười, ra điều biết ơn. Chẳng nói chẳng rằng, thằng cha nhổ nước bọt phì phì xuống đất, quay ra đi thang bộ.
Không đủ can đảm ở lại thang máy, tôi cũng nối gót theo gã hàng xóm, lê từng bước nặng nề.
Tôi là ai? Tôi không biết nữa. Một kí ức xa xăm gợi về. Tôi là P. sống ở khu tập thể công nhân nhà máy sợi, chỗ Gốc Mmits. Nhưng lạ kì thay, những phần đời sau này tôi không thể đọc được tên nó lên. Tôi đi học dựa vào đứa bạn ngồi bên cho chép bài. Lớn lên đi làm dựa vào ông chú nhà vợ. Tiền tiêu xài, tôi dựa vào vay vợ.
Tôi là ai? Tôi không biết.
Thằng Người- Tôi chán chường ngồi xuống cạnh tôi. Nó đắn đo không biết có nên đi theo tôi nữa không. Đoạn nó trường vào thùng rác mất hút ở trong ấy.
(Phong Điệp, Kẻ dự phần (tập truyện ngắn), NXB Văn học, Hà Nội, 2008)
a. Truyện có yếu tố kì ảo không? Vì sao?
b. Nhân vật Thằng Người- Tôi hiện lên qua những “ tấm gương” nào? Có gì đặc biệt ở nhân vật này?
c. Đoạn văn in nghiêng giúp em hiểu gì về sự xuất hiện của nhân vật Thằng Người- Tôi trong truyện?
d. Theo em, vì sao tác giả lại đặt tên cho tác phẩm này là Thùng rác?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ tác phẩm.
Lời giải chi tiết:
a. Trong truyện trên không có yếu tố kì ảo. Bởi đây là câu chuyện kể về nội tâm của một nhân vật khi phát hiện ra mình trở nên xa lạ với mọi người xung quanh và với chính bản thân của mình.
Nhân vật Thằng Người- Tôi thực chất chỉ là cách viết truyện để khiến cho tác phẩm trở nên lôi cuốn hơn, tạo cảm giác như nhân vật chính đang trò chuyện cùng một người khác nhưng thật chất là đang trò chuyện với chính mình.
b. Trong tác phẩm trên, nhân vật Thằng Người- Tôi hiện lên qua những “tấm gương” sau:
-Tấm gương trong nhà tắm.
-Tấm gương trong phòng khách.
-Tấm gương ở cầu thang máy.
-Tấm gương trong chính nhận thức của nhân vật.
Điều đặc biệt ở nhân vật này là: anh ta đang tự nói chuyện với chính mình và khi đứng trước gương, anh ta lại không nhận ra bản thân. “Tấm gương” thật sự mà nhân vật này đang soi chính là hình ảnh anh ta trong trí nhớ của mình: “ngày nào tôi cũng soi gương, cạo râu, xức nước hoa trước khi đi làm. Tôi phong độ và bảnh bao; không phải một khuôn mặt vô cảm, thiếu sinh khí đến thế này.”
c. Sự xuất hiện của nhân vật Thằng Người- Tôi trong truyện:
Về nội dung: là nhân vật đóng vai trò quan trọng khiến cho nhân vật chính quay trở về với thực tại với cuộc sống của mình. Nhưng cũng chính nhân vật Thằng Người- Tôi đã là thứ khiến cho nó không thể nhận ra bản thân và không thể chấp nhận được bản thân của mình trong hình dáng xấu xí, thiếu sức sống đó
Về mặt nghệ thuật; Nhân vật Thằng Người- Tôi trong tác phẩm xuất hiện cũng chính là minh chứng chứng minh rằng văn học luôn có sự sáng tạo. Chính sự sáng tạo ra nhân vật này, tác giả khiến người đọc bị lôi cuốn, hấp dẫn và men theo đến cuối của tác phẩm.
d. Theo em tác giả đặt tên cho tác phẩm là Thùng rác vì đây là hình ảnh xuất hiện đúng, đủ và rõ nhất về nội dung của tác phẩm. Theo đó, nội dung của tác phẩm trên là hình ảnh nhân vật đã đánh mất đi cái nhân hình nói riêng nhưng thật chất là đang ẩn ý về việc đánh mất đi bản thân trong xã hội hiện đại ngày nay. Hay nói cách khác, chúng ta đang mải mê đi làm, mải mê chạy theo thực tại mà đánh mất đi chính bản thân mình, để rồi đến một ngày khi nhận ra, thì cái Tôi vốn dĩ trong người của họ đã bị họ vứt một cách “vô tình”.