Câu 1
Trả lời Câu hỏi 1 trang 4 SBT Văn 12 Cánh diều
Bối cảnh sáng tác của tập thơ Nhật kí trong tù có gì đặc biệt?
Phương pháp giải:
Đọc phần giới thiệu về tập thơ Nhật kí trong tù
Lời giải chi tiết:
Bối cảnh sáng tác của tập thơ: được sáng tác trong lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh bị giam cầm và đày đọa ở Quảng Tây, Trung Quốc bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch.
Câu 2
Trả lời Câu hỏi 2 trang 4 SBT Văn 12 Cánh diều
Em biết những bài thơ nào về trăng?
Phương pháp giải:
Dựa vào kiến thức của bản thân để trả lời
Lời giải chi tiết:
Ngắm trăng - Hồ Chí Minh
Uống trăng- Hàn Mặc Tử
Trăng- Xuân Diệu
….
Câu 3
Trả lời Câu hỏi 3 trang 4 SBT Văn 12 Cánh diều
Hai dòng thơ đầu nên lên bối cảnh, tâm trạng gì của người tù? Tâm trạng ấy cho thấy tác giả là người như thế nào? (Chú ý phần Dịch nghĩa của hai dòng thơ đầu; giọng điệu ở dòng thơ thứ 2 của phần Phiên âm)
Phương pháp giải:
Đọc hai dòng thơ đầu của tác phẩm
Lời giải chi tiết:
- Bối cảnh: trong lao ngục, thiếu thốn : không rượu, không hoa.
- Tâm trạng của người tù: hững hờ, bâng khuâng, xao xuyến, bối rối khi đứng trước cảnh đẹp.
→ Từ đó cho ta thấy, tác giả là người có một tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên, dù ở trong ngục tù thiếu thốn nhưng vẫn say mê cái đẹp của cảnh đêm. Quả thật là một tâm hồn đậm chất thi sĩ, thi nhân,...
Câu 4
Trả lời Câu hỏi 4 trang 4 SBT Văn 12 Cánh diều
Phân tích vẻ đẹp nội dung và hình thức của hai dòng thơ cuối
Phương pháp giải:
Đọc hai dòng thơ cuối:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Lời giải chi tiết:
- Vẻ đẹp về nghệ thuật: Thơ 7 chữ kết hợp với các biện pháp nhân hoá, điệp từ và việc sử dụng các hình ảnh, từ ngữ hóm hỉnh “nhòm” khiến cho người đọc liên tưởng “trăng”- “Người” như hai người bạn, gắn kết và chủ động tìm đến giao hòa cùng nhau.
- Vẻ đẹp về nội dung: Thể hiện vẻ đẹp ung dung, tự tại của Người nghệ sĩ. Dù sống trong ngục tù tối tăm, thiếu thốn nhưng người nghệ sĩ ấy lại mang trong mình tâm hồn lãng mạn, chọn cách hướng tới vầng trăng chứ không chìm đắm trong ngục tối. Qua đó ta cũng thấy được, “trăng” và “Người” chính là tri kỉ. Cánh cửa của ngục tù chỉ có thể giam cầm được thân xác của nhà thơ, chứ không thể giam cầm được tâm hồn, khao khát của nhà thơ ấy.
Câu 5
Trả lời Câu hỏi 5 trang 4 SBT Văn 12 Cánh diều
Theo em, bài thơ thể hiện đặc điểm gì trong phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh?
Phương pháp giải:
Đọc lại các đặc điểm trong phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh
Lời giải chi tiết:
Về hình thức:
- Từ ngữ ngắn gọn, hàm súc nhưng giàu sức gợi.
- Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, viết bằng chữ Hán.
- Hình ảnh thơ trong sáng, đẹp đẽ; “Thi trung hữu hoạ”
- Sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại.
Về nội dung: Thể hiện tâm hồn nhạy cảm, yêu cái đẹp, cái lãng mạn cùng tình cảm mãnh liệt của “Người” dành cho “trăng”. Qua đó cũng cho thấy nhân cách cao đẹp của vị lãnh tụ vĩ đại: dù sống trong ngục tù tối tăm, thiếu thốn nhưng không bao giờ để cho cái tối tăm đó khiến mình sợ hãi và nản chí; mà luôn để tâm hồn được bay đến những nơi mà ánh sáng đang rọi vào.
Câu 6
Trả lời Câu hỏi 6 trang 4 SBT Văn 12 Cánh diều
Em thích nhất dòng thơ, hình ảnh hay chi tiết nào trong bài thơ Ngắm trăng? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc lại bài thơ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
Trong bài thơ trên, em thích nhất là hình ảnh người thi sĩ ngắm trăng nhưng không rượu cũng không hoa. Vì: Người ta thường hay tái hiện sự say đắm cái đẹp bằng những chén rượu, những nhành hoa. Rượu, hoa, trăng là ba thứ luôn gắn liền với nhau. Thể hiện cho sự đắm say, ngất ngây đầy chất lãng mạn. Nhưng, trong bài thơ, dù không có rượu, không có hoa nhưng ta vẫn thấy được cái đắm say, ngất ngây ấy. Điều đó cho thấy, cái “say” của những bậc thi sĩ, cái ngất ngây không chỉ tại rượu, tại hoa, mà là tại cái tâm hồn lãng mạn, tại “ánh mắt của những kẻ si tình”- tình với thiên nhiên, với cái đẹp. Chính vì mang tâm hồn yêu cái đẹp, vậy nên dù trong cái ngục tù- nơi đại diện cho sự tối tăm, thối nát- dù không có ly rượu nhấp môi, thì cái tâm hồn nghệ sĩ vẫn say, vẫn bay, vẫn ngất ngây bởi cái đẹp của ánh trăng sáng.