Tác giả
Tác giả Vũ Trọng Phụng
1. Tiểu sử
- Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939), sinh ra ở Mỹ Hào, Hưng Yên nhưng lớn lên và sinh sống tại Hà Nội.
- Cha ông là Vũ Văn Lân làm thợ điện ở Ga-ra Charles Boillot, mất sớm khi ông mới được 7 tháng tuổi.
- Vũ Trọng Phụng được mẹ là bà Phạm Thị Khách ở vậy tần tảo nuôi con ăn học.
- Sau khi học hết tiểu học tại trường Hàng Vôi, Vũ Trọng Phụng phải thôi học để đi làm kiếm sống vào khoảng năm 14 tuổi.
- Ông có may mắn được hưởng thụ chế độ giáo dục mới do Toàn quyền Pháp Albert Sarraut đề xướng, miễn phí hoàn toàn trong sáu năm tiểu học, và là một trong những lứa thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ → đó là nguyên nhân khiến ông luôn thần tượng nền văn hóa Pháp và là lớp nhà văn tích cực truyền bá văn học chữ Quốc Ngữ.
- Sau hai năm làm ở các sở tư như nhà hàng Gôđa, nhà in IDEO (Viễn Đông), ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.
2. Sự nghiệp văn học
a. Tác phẩm chính
- Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng.
- Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng.
- Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự nổi tiếng. Với phóng sự đầu tay Cạm bẫy người (1933) đăng báo Nhật Tân dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời.
- Năm 1934, báo Nhật Tân cho đăng Kỹ nghệ lấy Tây.
→ Với hai phóng sự đó, Vũ Đình Chí và Vũ Bằng đã cho ông là một trong hàng vài ba “nhà văn mở đầu cho nghề phóng sự của nước ta”.
- Những phóng sự tiếp theo như Cơm thầy cơm cô, Lục sì đã góp phần tạo nên danh hiệu “ông vua phóng sự của đất Bắc” cho Vũ Trọng Phụng.
b. Phong cách nghệ thuật
- Văn chương Vũ Trọng Phụng thể hiện thái độ căm phẫn đối với xã hội “chó đểu”.
- Ông là cây bút trào phúng bậc thầy, một trong những đại biểu xuất sắc của xu hướng văn học hiện thực.
Sơ đồ tư duy Tác giả Vũ Trọng Phụng
Tác phẩm
Tác phẩm Xuân tóc đỏ cứu quốc
I. Tìm hiểu chung
1. Thể loại
- Tác phẩm Xuân Tóc Đỏ cứu quốc thuộc thể loại: tiểu thuyết.
2. Xuất xứ
- Tác phẩm được trích trong Số đỏ, NXB Văn học, Hà Nội, 1988, tr187 – 193)
3. Phương thức biểu đạt
- Phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
4. Bố cục đoạn trích
- Phần 1 (từ đầu đến "nhà quán quân quần vợt Xiêm La ra thử tài với Xuân Tóc Đỏ."): Tình hình chuẩn bị cho cuộc thi đấu thể thao đặc biệt.
- Phần 2 (tiếp theo đến "các đức vua và quý quan của ba chính phủ về Sở Toàn quyền."): Diễn biến kịch tính của "ván quần" giữa Xuân Tóc Đỏ và quán quân quần vợt Xiêm La.
- Phần 3 (phần còn lại): Màn hùng biện của Xuân Tóc Đỏ và sự tung hô của dân chúng.
5. Giá trị nội dung
- Đoạn trích đã cho thấy cách thể hiện quan điểm của tác giả thông qua nhân vật Xuân Tóc Đỏ dưới thời đại đó. Ở Vũ Trọng Phụng, ông đã phơi bày những mặt trái, mặt nhố nhăng của hiện thực luôn thường trực. Qua đó ta thấy được xã hội đương thời đầy rẫy những biểu hiện tha hoá, suy đồi, dường như vô phương cứu chữa.
6. Giá trị nghệ thuật
- Qua việc xây dựng tình huống li kì, kịch tính, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện một cảm quan hiện thực sắc bén, khi nhận ra tính chất trò hề của những sự kiện được quảng bá rầm rộ với vô số mĩ từ.
II. Tìm hiểu chi tiết
1. Tình huống truyện
- Hai nhà quán quân cũ là Hải và Thụ mất tích, dẫn đến nguy cơ trận chung kết quần vợt phải hoãn, đồng thời cũng tạo cơ hội cho Xuân Tóc Đỏ được ra sân tỉ thí với quán quân Xiêm La.
- Xuân Tóc Đỏ thắng điểm quán quân Xiêm La, vô tình đẩy hai nước Việt, Xiêm đến miệng hố chiến tranh - một tình trạng nguy cấp phải giải quyết kịp thời, như kíp nổ cần được tháo ngòi ngay lập tức.
- Đông đảo khán giả đả đảo Xuân, đòi được giải thích, buộc Xuân và ông bầu Văn Minh phải biện xảo để xoay ngược thế cờ.
- Tình huống Xuân Tóc Đỏ đổi thắng thành thua hiển nhiên là tình huống cực kì phi lí, thể hiện sự cao tay của tác giả trong việc sử dụng thủ pháp phóng đại. Mặc dù nhìn bề ngoài có vẻ phi lí, tình huống này vẫn có cơ sở hiện thực: trong chính trị, ngoại giao, mọi động thái của các bên liên quan đều giống như một nước cờ biến ảo, khó suy đoán.
→ Qua việc xây dựng tình huống này, Vũ Trọng Phụng đã thể hiện một cảm quan hiện thực sắc bén, khi nhận ra tính chất trò hề của những sự kiện được quảng bá rầm rộ với vô số mĩ từ.
2. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ
a. Đặc điểm nhân vật Xuân Tóc Đỏ
- Xuân Tóc Đỏ là một kẻ có "số đỏ" đặc biệt, mỗi lần rơi vào tình thế ngặt nghèo lại là một lần đạt được cơ hội "thăng tiến" khó ngờ. Chính xã hội đảo điên đã tạo cơ hội cho Xuân - một kẻ "hạ lưu" vô học nhưng láu cá - đã chui sâu, leo cao và đạt đến địa vị "tót vời".
b. Bài “hùng biện” của Xuân Tóc Đỏ
- Nội dung "bài" hùng biện của Xuân và ngôn ngữ được hắn sử dụng trong đó cho thấy sự lên ngôi của tư duy vỉa hè và ngôn ngữ vỉa hè trong các diễn ngôn của một số "đấng bậc".
- Với "bài" hùng biện của mình, không chỉ Xuân mà cả những kẻ tiếp tay cho Xuân đang thực hiện việc đánh tráo khái niệm, khi sử dụng những từ biểu đạt các giá trị thiêng liêng để gán cho hành động của Xuân một ý nghĩa đẹp đẽ.
→ Đó là một biểu hiện của việc các giá trị trong xã hội bị đánh lộn sòng.
- Ngôn ngữ trong "bài" hùng biện của Xuân chứa đầy các yếu tố đối nghịch, hội tụ ở đó các mối tương quan xã hội phức tạp, như một cuộn tơ rối. Chúng xung đột và hoà hợp với nhau một cách kì dị, phản ánh đúng bản chất kì dị của xã hội đương thời.
- Cảnh Xuân Tóc Đỏ hùng biện có dáng dấp của một màn hài kịch: nó vỗ vào ngực, nó đấm tay xuống không khí, nó giơ cao tay lên, nó đập tay xuống.
→ Đây không phải là một yếu tố thuần tuý hình thức mượn từ kịch. Chính nó thể hiện rõ cảm quan của Vũ Trọng Phụng về hiện thực. Theo ông, tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội đều là một tấn trò não ruột, xen lẫn bi và hài.
Sơ đồ tư duy Tác phẩm Xuân tóc đỏ cứu quốc