? mục 1
Nêu hoạt động đối ngoại chủ yếu ở Việt Nam trong giai đoạn 1975-1985?
Phương pháp giải:
- Đọc kỹ phần 1. Hoạt động đối ngoại chủ yếu ở Việt Nam trong giai đoạn 1975-1985(SGK trang 79)
- Chỉ ra hoạt động đối ngoại chủ yếu ở Việt Nam trong giai đoạn 1975-1985
Lời giải chi tiết:
- Trong giai đoạn 1975 - 1985. Việt Nam đẩy mạnh hoạt động ngoại giao hòa bình, hữu nghị với các quốc gia và các tổ chức quốc tế, đồng thời đấu tranh chống chính sách bao vây, cấm vận từ bên ngoài.
- Đẩy mạnh hợp tác, toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa: Năm 1975, Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm chính thức Liên Xô. Hai bên kí các hiệp định tương trợ. Trên cơ sở đó, Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình lớn như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy xi măng Bỉm Sơn.... Năm 1978, Việt Nam và Liên Xô kí Hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Năm 1978, Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) và kí nhiều hiệp ước hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
- Phát triển quan hệ với các nước láng giềng Đông Nam Á, thúc đẩy đối thoại với ASEAN: Năm 1977, Việt Nam và Lào kí Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác. Năm 1979, Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ.
- Tham gia và đóng góp tích cực vào Phong trào Không liên kết: Năm 1976, nước Việt Nam thống nhất chính thức gia nhập Phong trào Không liên kết.
- Phát triển quan hệ đối ngoại với các quốc gia và tổ chức quốc tế: Năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc. Đến năm 1979, Việt Nam đã tham gia 33 tổ chức và 19 điều ước quốc tế.
- Bước đầu đàm phán bình thường hóa quan hệ với Mỹ: Từ cuối những năm 70 của thế kỉ XX, Việt Nam đã gửi thông điệp cho chính quyền Mỹ về việc duy trì quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, không thù địch. Nhiều cuộc hội đàm Việt - Mỹ đã diễn ra tại Pa-ri và Hà Nội.
? mục 2
Nêu hoạt động đối ngoại chủ yếu ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay?
Phương pháp giải:
- Đọc kỹ phần 2. Hoạt động đối ngoại chủ yếu ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay (SGK trang 81)
- Chỉ ra hoạt động đối ngoại chủ yếu ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay.
Lời giải chi tiết:
- Trong quá trình thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã thành công trong việc phá thế bao vây, cấm vận, đồng thời triển khai nhiều hoạt động đối ngoại hội nhập mạnh mẽ vào cộng đồng quốc tế.
- Phá thể bao vây, cấm vận: Năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Năm 1995, Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
- Củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống với Lào, Cam-pu-chia; tham gia ASEAN, thúc đẩy hoạt động đối ngoại ở Đông Nam Á: Năm 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Năm 1995, Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA). Tổ chức thành công nhiều hoạt động và hội nghị của ASEAN; đảm nhiệm vai trò nước Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998, 2010, 2020; có nhiều đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN.
- Thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đối tác: Từ năm 2008 đến năm 2023, Việt Nam lần lượt thiết lập, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản.
- Gia nhập và đóng góp tích cực đối với các tổ chức, diễn đàn quốc tế: Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đến năm 2023, Việt Nam là thành viên của 70 diễn đàn và các cơ chế hợp tác quốc tế, có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới.
- Trong những thập kỉ đầu của thế kỉ XXI, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động đối ngoại nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; giải quyết tranh chấp, bất đồng trong vấn đề biên giới thông qua đàm phán, thương lượng.
- Hoạt động đối ngoại trong những năm gần đây còn gắn với các lĩnh vực như giao lưu văn hoá, hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ thảm họa thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu....
- Hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục có bước phát triển mới, gắn liền với vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.