Đề bài
I. TRẮC NGHIỆM (6 điểm)
Câu 1. Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình các nước Đông Bắc Á như thế nào?
A. Đều bị các nước thực dân xâm lược.
B. Đều là những quốc gia độc lập.
C. Hầu hết đều bị chủ nghĩa thực dân nô dịch.
D. Có nền kinh tế phát triển.
Câu 2. Những sự kiện thể hiện sự biến đổi lớn về chính trị của khu vực Đông Bắc Á sau chiến tranh thế giới thứ hai là
A. Trung Quốc thu hồi được Hồng Công
B. Nhật Bản chủ trương liên minh chặt chẽ với Mĩ
C. Sự ra đời của nước CHND Trung Hoa và sự thành lập hai nhà nước trên bán đảo Triều Tiên
D. Mĩ phát động chiến tranh xâm lược Triều Tiên
Câu 3. Nguyên nhân chủ quan cơ bản tạo nên nền kinh tế năng động của “con rồng” kinh tế Đài Loan là gì?
A. Chính quyền Đài Loan tiến hành những cải cách tiến bộ.
B. Giáo dục và khoa học - kĩ thuật được coi trọng.
C. Nhận được sự trợ giúp của CHND Trung Hoa.
D. Dựa vào nguồn viện trợ tài chính từ Mĩ.
Câu 4. Đặc điểm chung của khu vực Đông Bắc Á nửa sau thế kỉ XX là
A. Các quốc gia đều tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít giành độc lập dân tộc
B. Trừ Nhật Bản, các quốc gia còn lại trong khu vực đều trong tình trạng kém phát triển
C. Các quốc gia đều nhanh chóng bắt tay vào công cuộc khôi phục, xây dựng, phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ
D. Hầu hết các quốc gia giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
Câu 5: Đảng và Nhà nước Trung Quốc xác định trọng tâm của đường lối cải cách – mở cửa từ năm 1978 là
A. Lấy cải cách kinh tế làm trung tâm.
B. Lấy đổi mới chính trị làm trung tâm.
C. Đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị được tiến hành đồng thời.
D. Đổi mới chính trị là nền tảng, là khâu đột phá để đẩy mạnh đổi mới kinh tế.
Câu 6. Đối với Việt Nam, sự ra đời của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có ý nghĩa là
A. Cách mạng nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, ta có thể liên lạc nối liền với phe xã hội chủ nghĩa và thế giới dân chủ.
B. Cuộc kháng chiến của ta bước sang giai đoạn mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
C. Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa sẽ trực tiếp đưa quân sang giúp ta đánh Pháp
D. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng sang vùng Đông bắc Trung Quốc.
II. TỰ LUẬN (4 điểm)
Nêu nội dung cơ bản của đường lối cải cách của Trung Quốc và những thành tựu chính mà Trung Quốc đạt được trong những năm 1978 - 2000.
Lời giải chi tiết
ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. TRẮC NGHIỆM
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
C | C | B | C | A | A |
Câu 1.
Phương pháp: Xem lại những nét chung về khu vực Đông Bắc Á
Cách giải:
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Bắc Á (trừ Nhật Bản) đều bị chủ nghĩa thực dân nô dịch.
Chọn C.
Câu 2.
Phương pháp: Xem lại những nét chung về khu vực Đông Bắc Á
Lời giải:
Từ sau năm 1945, tình hình khu vực Đông Bắc Á có nhiều thay đổi về chính trị:
- Thắng lợi của cách mạng Trung Quốc đã dẫn tới sự ra đời của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (10/1949).
- Sau khi thoát khỏi ách thống trị của Nhật Bản, trong bối cảnh của chiến tranh lạnh, bán đảo Triều Tiên đã bị chia cắt thành hai miền theo vĩ tuyến 38.
+ Tháng 8-1948, ở phía Nam bán đảo Triều Tiên, Nhà nước Đại hàn Dân quốc (Hàn Quốc) được thành lập.
+ Tháng 9-1948, ở phía Bắc nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra đời.
Chọn: C
Câu 3.
Phương pháp: Xem lại những nét chính về lãnh thổ Đài Loan, suy luận.
Cách giải:
Bước sang những thập niên cuối của thế kỉ XX, Đài Loan có nền kinh tế phát triển năng động, và được coi là một trong những “con rồng” ở Đông Á với mức tăng trưởng kinh tế trung bình là 8,5%/năm. Nguyên nhân chủ quan, cơ bản nhất thúc đẩy sự phát triển của kinh tế Đài Loan chính là giáo dục và khoa học - kĩ thuật rất được coi trọng.
Chọn B.
Câu 4.
Phương pháp: dựa vào phần nét chung về khu vực Đông Bắc Á để đưa ra nhận xét, đánh giá.
Cách giải:
Trước Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), các nước Đông Bắc Á (trừ Nhật Bản) đều bị chủ nghĩa thực dân nô dịch. Sau chiến tranh, họ đã lần lượt giành được độc lập, nhanh chóng bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Trong 4 “con rồng” kinh tế châu Á thì Đông Bắc Á có 3 (Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan); Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; kinh tế Trung Quốc trong những năm 80-90 của thế kỉ XX đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và cao nhất thế giới.
Chọn C.
Câu 5.
Phương pháp: Sgk trang 23.
Cách giải:
Đường lối cải cách mở của của Trung Quốc được nâng lên thành đường lối chung là: lấy phát triển kinh tế làm trung tâm, tiến hành cải cách và mở cửa chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt hơn, nhằm hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, với mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
Chọn A.
Câu 6.
Phương pháp: liên hệ.
Cách giải:
Xuất phát từ vị trí địa lí của Việt Nam là giáp với Trung Quốc ở phía Bắc nên nếu Trung Quốc được giải phóng thì đường biên giới được khai thông, nhân dân ta sẽ thoát khỏi thế bao vây. Đồng thời, cách mạng Trung Quốc thành công tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội từ đây được nối liền từ châu Âu sang châu Á thì sẽ tạo điều kiện cho một nước có theo chế độ xã hội chủ nghĩa như Việt Nam có thể liên lạc với các nước xã hội chủ nghĩa khác dễ dàng hơn. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi, sau đó Việt Nam đã đặt được quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Trung Quốc, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ hai nước này đã viện trợ và giúp đỡ cuộc kháng chiến của Việt Nam rất nhiều.
Chọn A.
II. TỰ LUẬN
Phương pháp: sgk trang 23.
Cách giải:
* Nội dung cơ bản của đường lối cải cách của Trung Quốc:
- Tháng 12/1978: Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra đường lối đổi mới. Đường lối này được nâng lên thành đường lối chung của Đại hội XII, XIII, với nội dung:
+ Lấy phát triển kinh tế làm trung tâm.
+ Tiến hành cải cách và mở cửa.
+ Chuyển nền kinn tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa linh hoạt hơn.
+ Nhằm hiện đại hóa và xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
+ Biến Trung Quốc thành quốc gia giàu mạnh, dân chủ, văn minh.
* Thành tựu Trung Quốc đạt được trong những năm 1978 - 2000:
- Về kinh tế:
+ GDP tăng trung bình hàng năm trên 8%.
+ Cơ cấu tổng thu nhập trong nước theo khu vực kinh tế có sự thay đổi lớn: cơ cấu công nghiệp - dịch vụ tăng cao.
+ Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh.
- Về khoa học - kĩ thuật: đạt được nhiều thành tựu quan trọng:
+ Năm 1964: Trung Quốc thử thành công bom nguyên tử.
+ Từ tháng 11 - 1999 đến tháng 3 - 2003: phóng 4 con tàu “Thần Châu” với chế độ tự động.
+ Năm 2003: con tàu “Thần Châu 5” cùng nhà du hành Dương Lợi Vĩ bay vào không gian vũ trụ.
- Về đối ngoại: Chính sách đối ngoại có sự điều chỉnh, vai trò và địa vị quốc tế của Trung Quốc ngày càng được nâng cao.
[hoctot.me - Trợ lý học tập AI]