bản sau:
Con đã học làm phép chia
Con tự tìm ra thương số
Con hãy tin mọi điều trong sách vở
Dẫu ngoài đời không giống thế đâu con
Bầu trời kia lúc đục lúc trong
Con sông quê khi đầy khi cạn
Không có phép chia mưa khi nắng hạn
Không có phép chia đều no ấm yên lành
Nơi con ở hoà bình nơi khác chiến tranh
Phía trước văn minh đằng sau tăm tối
Người sang kẻ hèn người no kẻ đói
Trên trái đất này hạnh phúc chẳng chia đều
Lớn lên rồi con sẽ hiểu Tình yêu
Không tìm được dễ dàng
Như phép tìm thương số
Dẫu vậy
Mẹ vẫn muốn con tin vào sách vở
Bởi phép chia không có lỗi đâu con.
(Phép chia không có lỗi, Phi Tuyết Ba, NXB Hội Nhà văn,1988)
Chú thích: Nhà thơ Phi Tuyết Ba sinh năm 1946 tại Quảng Bình. Phi Tuyết Ba tốt nghiệp Khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau đó dạy ở Trường Đại học Công nghiệp nhẹ rồi Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội). Thơ Phi Tuyết Ba cho thấy tâm hồn rất tinh tế, giàu rung cảm, đa phần đậm tính triết lý, giàu liên tưởng và có sức khái quát cao. Bà đã nhận nhiều giải thưởng danh giá: Giải B cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 1987; giải Khuyến khích của Báo Phụ nữ Việt Nam năm 1994; giải Khuyến khích Báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh năm 1997; giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Hội các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2001,…
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 :
Câu 1. Xác định nhân vật trữ tình của bài thơ?
Câu 2. Liệt kê các hình ảnh tương phản trong 2 khổ thơ sau:
Bầu trời kia lúc đục lúc trong
Con sông quê khi đầy khi cạn
Không có phép chia mưa khi nắng hạn
Không có phép chia đều no ấm yên lành
Nơi con ở hoà bình nơi khác chiến tranh
Phía trước văn minh đằng sau tăm tối
Người sang kẻ hèn người no kẻ đói
Trên trái đất này hạnh phúc chẳng chia đều
Câu 3. Phân tích hiệu quả của một biện pháp tu từ nghệ thuật trong 2 dòng thơ sau:
Không có phép chia mưa khi nắng hạn
Không có phép chia đều no ấm yên lành
Câu 4. Em hiểu như thế nào về câu thơ: Trên trái đất này hạnh phúc chẳng chia đều?
Câu 5. Em có đồng tình với suy nghĩ của người mẹ Phép chia không có lỗi hay không? Vì sao?