ĐỀ 3.
VĂN MIẾU – QUỐC TỬ GIÁM BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA VIỆT NAM
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia. Đây là nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa ngày 28/4/1962.
Lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Sự kiện dựng Văn Miếu được Đại Việt sử ký toàn thư ghi như sau: "Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070) đời Lý Thánh Tông, mùa thu tháng 8 làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây".
Đến tháng tư, mùa hạ năm Bính Thìn, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076) vua Lý Nhân Tông cho lập nhà Quốc Tử Giám, tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học để học tại đó. Từ năm 1253, Vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con cái thường dân có học lực xuất sắc.[…]
Đến đầu thời Nguyễn, vua Gia Long bãi bỏ trường Quốc Tử Giám ở Hà Nội, đổi nhà Thái Học làm nhà Khải Thánh để thờ cha mẹ Khổng Tử và xây dựng Khuê Văn Các ở trước Văn Miếu. Đầu năm 1947, giặc Pháp nã đạn đại bác làm đổ sập căn nhà, chỉ còn cái nền với hai cột đá và 4 nghiên đá.
Ngày 13/7/1999, thành phố Hà Nội khởi công xây dựng công trình nhà Thái Học trong khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khu nhà Thái Học rộng 1.530 m2 trên nền đất cũ của Quốc Tử Giám sau Văn Miếu.
Kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Di tích lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám có diện tích 54.331m2 gồm: Hồ Văn, vườn Giám và Nội Tự được bao quanh bằng tường gạch vồ.
Hình 1: Sơ đồ một số di tích trong khu di tích
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Phía trước cổng lớn là tứ trụ (bốn cột lớn). Hai bên tứ trụ có hai bia "Hạ mã" (xuống ngựa). Văn Miếu môn cao rộng, hai bên bậc tam cấp, phía ngoài có đôi rồng đá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nội tự được chia làm năm khu vực:
Khu thứ nhất (Nhập đạo): bắt đầu từ cửa Văn Miếu đến cửa Đại Trung; cửa Đại Trung ba gian lợp ngói. Hai bên cửa Đại Trung là hai cửa nhỏ Thành Đức và Đạt tài.
Khu thứ hai (Thành đạo): từ cửa Đại Trung đến Khuê Văn Các – một công trình kiến trúc độc đáo là biểu tượng của lịch sử văn hóa Hà Nội. Khuê Văn Các được dựng năm 1805. Tầng dưới là bốn trụ gạch, tầng trên là kiến trúc gỗ, bốn mặt đều có cửa sổ tròn, trên mái lợp ngói ống. Hai bên Khuê Văn Các là hai cửa Bí văn và Súc văn – là những tên gọi với ý nghĩa ca ngợi vẻ đẹp của văn chương.
Hình 2: Khuê Văn Các
[…]
Khu thứ năm: khu Thái Học vốn là trường Quốc Tử Giám xưa – trường đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Đầu thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn dời Quốc Tử Giám vào Huế, nơi đây dựng điện Khải Thánh thờ song thân phụ mẫu của Khổng Tử.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám xưa là chốn "cửa Khổng sân Trình"1 là "Thánh đường của Nho học", nơi đào tạo và biểu dương nhân tài của đất nước; nay là một khu di tích lịch sử - văn hóa lớn nhất ở trung tâm Thủ đô, biểu trưng cho tiến trình văn hóa Việt Nam, với những hoạt động văn hóa, khoa học năng động của mình, đang góp phần to lớn vào công cuộc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho Thủ đô xứng đáng là viên ngọc "Ngàn năm văn hiến" của đất nước.
(Trích Văn Miếu – Quốc Tử Giám biểu tượng Văn hóa Việt Nam, Lan Phương tổng hợp, nguồn truy cập 15/9/2024, 10:15 AM)
Câu 1: Nêu một số đặc điểm giúp em xác định thể loại của văn bản trên
Câu 2 :Xác định thông tin cơ bản của văn bản trên.
Câu 3: Văn bản sử dụng loại phương tiện phi ngôn ngữ nào? Nêu tác dụng của phương tiện phi ngôn ngữ vừa tìm được.
Câu 4: Em hãy xác định cách trình bày thông tin của văn bản trên và cho biết tác dụng của cách trình bày ấy đối với toàn bộ văn bản.
Câu 5: Mục đích viết của văn bản trên là gì?
Câu 6: Phân tích mối quan hệ giữa nhan đề Văn Miếu – Quốc Tử Giám biểu tượng Văn hóa Việt Nam với các thông tin cơ bản của văn bản.
Nhan đề thể hiện đề tài và nội dung của văn bản , tạo sự lôi cuốn hấp dẫn thôi thúc người đọc tìm hiểu nội dung văn bản .
Câu 7: Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt quan trọng của quốc gia. Đây là nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, lưu giữ và thể hiện đặc sắc nhất những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. Là thế hệ tương lai của đất nước, em sẽ làm gì để bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hoá này? (Trình bày trong khoảng từ 80 chữ đến 90 chữ). (2,0 điểm)